Hiện nay, huyện Đồng Văn (Hà Giang) tỷ lệ hộ nghèo còn 54,5%. Tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo trong 3 năm qua liên tục tăng, cụ thể: năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 6%, năm 2022 giảm 6,2%, năm 2023 giảm 7%. Năm 2024, huyện phấn đấu giảm 11% tương đương với 1.879 hộ thoát nghèo, chỉ còn 9.329 hộ nghèo đa chiều.
7 tháng đầu năm nay, nhằm giúp người nghèo, cận nghèo được đào tạo nghề, tăng cơ hội có việc làm bền vững, huyện tổ chức mở 25 lớp đào tạo nghề cho gần 900 học viên tham gia; phối hợp tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn các xã, thị trấn, giải quyết việc làm cho gần 6.000 người.
111 phương án, dự án hỗ trợ sản xuất được triển khai cho hơn 4.300 hộ tham gia hưởng lợi; hỗ trợ cải tạo vườn tạp được 80/136 vườn, hỗ trợ 442 hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện xây dựng mới, sửa chữa nhà ở. Đặc biệt, qua rà soát các hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, thời gian qua, huyện hỗ trợ phát triển sản xuất cho gần 2.000 hộ. Nhiều mô hình sinh kế đã truyền cảm hứng cho nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân nơi cao nguyên đá.
Gia đình anh Vàng Vả Máy, thôn Sà Phìn B, xã Sà Phìn là một trong những hộ dân được huyện Đồng Văn hỗ trợ kinh phí để mua bò vỗ béo, thuộc dự án từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Bằng kinh nghiệm chăn nuôi và sự chăm chỉ, cần cù trong lao động đàn bò gia đình anh luôn phát triển ổn định. Từ đầu năm 2023 đến nay gia đình anh đã bán được 6 lứa bò, mỗi lứa thu về cho gia đình 20-30 triệu đồng. Năm 2024, gia đình anh Máy đã có kinh tế ổn định, cuộc sống gia đình ngày càng khởi sắc.
Ngoài mô hình nuôi bò địa phương vỗ béo từ nguồn vốn thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia, xã Sà Phìn còn triển khai nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao được người dân thực hiện như nuôi lợn nái sinh sản, nuôi dê, ong lấy mật… Mỗi năm, các mô hình trên giúp người dân có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Đặc biệt, các mô hình đã góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập, đời sống người dân được nâng lên. Nhiều hộ sau khi thoát nghèo đã có khát vọng bứt phá, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn trở thành hạt nhân trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Xã Hố Quáng Phìn có 9 thôn với tổng 666 hộ, trong đó hộ nghèo chiếm trên 64%. Những năm gần đây, diện mạo của xã nằm ở phía Nam huyện Đồng Văn này ghi nhận nhiều đổi thay tích cực, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Gia đình anh Mua Nhìa Chứ, thôn Tả Sán là một trong những hộ tiêu biểu trong xã Hố Quáng Phìn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ sự hỗ trợ của địa phương, anh Chứ lựa chọn mô hình chăn nuôi bò vàng địa phương kết hợp nuôi lợn đen bản địa.
Ngoài ra, anh còn cải tạo vườn tạp trồng gối vụ các loại rau, chanh, sâm khoai. Cần cù chịu khó, nỗ lực vươn lên từ sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước, địa phương, gia đình anh đã có mức thu nhập gần 100 triệu đồng một năm.
Cũng ở xã Hố Quáng Phìn, gia đình anh Vàng Phàn Pó, thôn Chín Trù Ván, lại tận dụng lợi thế về đất đai màu mỡ để trồng hơn 1 ha cây rau bắp cải, nâng cao thu nhập.
Trước đây, diện tích đất của gia đình anh Pó chỉ canh tác đơn thuần trồng ngô, thu nhập thấp. Sau khi chuyển đổi diện tích từ trông ngô sang trồng bắp cải, nguồn lợi thu nhập tăng gấp 3-4 lần. Ngoài ra, gia đình anh còn chăn nuôi lợn, bò và gia cầm. Nhờ có đầu ra ổn định, mức thu nhập của gia đình anh đạt từ 100 đến 120 triệu đồng mỗi năm.
Để đạt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 11% trong năm 2024, huyện Đồng Văn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo để người dân tiếp cận tham gia, từng bước làm thay đổi nhận thức của người nghèo về ý thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, tu chí làm ăn, nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo...