Làm điều tốt bao giờ cũng có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân, và chúng ta ai cũng mong muốn làm điều tốt, không chỉ cho bản thân, mà còn cho cộng đồng và xã hội.
Tôi tin rằng, xã hội luôn vận hành theo cơ chế tự điều chỉnh để hướng đến cái tốt đẹp, nhân văn. Chẳng phải đâu xa, những gì chúng ta chứng kiến trong sự phát triển đất nước khiến chính chúng ta cũng tự hào. Thành tựu trong lĩnh vực kinh tế là không có gì phải bàn cãi. Các lĩnh vực khác cũng được lợi từ sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng này.
Tất nhiên, không cái gì không có mặt trái của nó nhưng mọi thứ đang được điều chỉnh theo hướng tốt dần lên. Ngay cả ở kinh tế, trong những giai đoạn đầu gian khó, chúng ta cố gắng thu hút đầu tư bằng mọi cách, giờ đây, chúng ta đã chủ động hơn trong lựa chọn các nhà đầu tư theo hướng có lợi cho sự phát triển bền vững đất nước.
Đối với văn hóa cũng vậy, sự thay đổi của văn hóa từ chú trọng vào cộng đồng, tình cảm giờ chuyển sang coi trọng các yếu tố cá nhân, lý trí nhiều hơn. Trong văn hóa khó nói chuyện hơn kém, cũng khó mà có thể so sánh với nhau được, nhưng chắc chắn văn hóa giờ đây đã khác. Chắc chắn có sự khủng hoảng khi mà các giá trị đang dần định hình. Tuy vậy, đích đến sẽ là sự cân bằng, hài hòa, và tiệm cận đến những giá trị chân – thiện – mỹ.
Vấn đề của chúng ta hiện nay là làm thế nào để những câu chuyện tốt đẹp, những tấm lòng tốt đẹp có thể truyền thêm cảm hứng cho xã hội. Khi chúng ta xây dựng được một bầu không khí xã hội tích cực thì những điều tiêu cực sẽ bị đẩy lùi. Ngược lại, trong một bầu không khí không tin tưởng thì một việc làm tốt cũng bị nghi ngờ.
Chính vì thế, mong muốn của tôi là những câu chuyện truyền cảm hứng cần phải đa dạng và hấp dẫn hơn; thực sự khiến người xem, nghe, đọc muốn khóc và muốn làm ngay những điều tốt đẹp!
Những câu chuyện đó có thể đến từ bất kỳ ai, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Thực tế thì các cơ quan truyền thông của chúng ta cũng đã làm được rất nhiều việc qua những chuyên đề, chương trình như cặp lá yêu thương, gương người tốt việc tốt, nhưng rõ ràng, do bản chất của truyền thông cũng như bản tính của con người, những thông tin giật gân, gây tò mò thường hay thu hút sự quan tâm của công chúng.
Như vậy, việc làm cho những tấm gương trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh xã hội hiện nay là hết sức cần thiết để tạo dựng niềm tin cho xã hội, để xây dựng bầu không khí thiện lành để phát triển nhân cách cho con người Việt Nam từ những câu chuyện truyền cảm hứng.
Khôi phục niềm tin
Hiện chúng ta đang trong giai đoạn xã hội chuyển đổi, ở đó nhiều giá trị mới chưa được định hình, trong khi các giá trị cũ chưa mất hẳn. Chính vì chưa có gì chắc chắn, được định hình rõ ràng làm điểm tựa nên câu chuyện niềm tin trở thành vấn đề nóng của xã hội.
Bối cảnh xã hội thay đổi không cho phép chúng ta sử dụng lại hoàn toàn những giải pháp cũ, cách làm cũ, trong khi chúng ta có thể lại lúng túng trong cách tìm ra hướng đi mới, giải pháp mới.
Nhận thức là một quá trình và vì thế nó cần có thời gian để tiến dần tới sự hoàn thiện. Văn hóa, ở một góc độ nhất định, phản ánh tất cả những chuyển đổi ấy của xã hội.
Thực ra, thiếu niềm tin, dù được phản ánh vào văn hóa, nhưng không chỉ do văn hóa. Luật pháp là một ví dụ. Trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi luật pháp, rất nhiều những sự việc xảy ra ảnh hưởng đến niềm tin. Một sự việc xử lý kiểu gì cũng được, một vi phạm có thể xử hoặc không xử, luật pháp ban hành nhưng không khả thi trong cuộc sống… tất cả khiến luật pháp bị “nhờn”.
Những hình ảnh xấu, những việc làm không gương mẫu của một vài lãnh đạo, dù ít, cũng khiến xói mòn niềm tin của người dân vào những nỗ lực của Nhà nước và xã hội. Từ những ví dụ trên và vô vàn những ví dụ khác đã dẫn đến việc xã hội hiện đang thiếu niềm tin ở rất nhiều lĩnh vực.
Niềm tin chính là một bộ phận của văn hóa. Chúng ta tin vào hàng ngoại hơn hàng nội, bằng cấp, chứng chỉ nước ngoài hơn bằng cấp Việt Nam, và đôi khi tin vào tin giả, tin ngoài lề hơn tin thật! Như thế, khôi phục niềm tin cho người dân là một việc làm hết sức cần thiết!
Tôi thích câu danh ngôn khuyết danh: “Thứ đắt giá nhất trên thế gian này là lòng tin. Nó có thể mất hàng năm để có được nhưng nó cũng có thể bị đánh mất chỉ trong một vài giây”.
Giải pháp để khôi phục niềm tin có nhiều. Trên thực tế hiện chúng ta đã nỗ lực để thay đổi để khôi phục niềm tin. Ví dụ như phát ngôn kịp thời, nhanh chóng, chính xác với mỗi sự cố xảy ra để đối phó với tin đồn, tin giả vốn hình thành nhanh rất trên mạng xã hội; Chính phủ quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo, minh bạch, hiệu quả vì dân; Thực thi tốt công cuộc chống tham nhũng để củng cố niềm tin vào Đảng; đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… để chúng ta có thêm những tốt gương tốt, truyền cảm hứng cho xã hội.
Tiếp tục tạo dựng lòng tin của nhân dân, cho mọi người, trên toàn diện tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội không chỉ là công việc xây dựng kinh tế, xây dựng nền tảng chính trị, mà đặc biệt lớn lao, quan trọng và sâu xa hơn nữa là xây dựng nền tảng văn hóa của một dân tộc.
Một môi trường tốt về văn hóa, để trong đó con người ta luôn hạnh phúc và tin tưởng vào tương lai, không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của một quá trình kiên trì phấn đấu, sự gương mẫu về nhân cách, của từng cá nhân và của cả một cộng đồng.
Hướng con người đến những giá trị chân – thiện – mỹ, giáo dục tính trung thực, sự liêm sỉ, biết xấu hổ trước tiên với chính mình, có lòng nhân ái và sự minh bạch luôn đóng vai trò hàng đầu, giúp cho đất nước phát triển bền vững, thực sự khiến cho dân tộc ta “vẻ vang với các dân tộc năm châu”.
Xem lại bài 1: Vun đắp văn hóa ngay trong mỗi gia đình
Bùi Hoài Sơn