Một trong những nguyên nhân chính khiến công cuộc xóa nghèo gặp khó khăn tại huyện Đồng Văn chính là nhận thức hạn chế của một bộ phận dân cư. Từ việc lạm dụng tập tục cũ đến tâm lý trông chờ vào hỗ trợ, những rào cản này từng là “nút thắt” trong hành trình giảm nghèo.

Xác định việc triển khai tốt công tác truyền thông sẽ thay đổi nhận thức, huyện đã triển khai hàng loạt chiến dịch truyền thông nhằm thay đổi tư duy của người dân.

Bằng nhiều giải pháp trong công tác truyền thông giúp người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách giảm nghèo, góp phần nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tâm lý trông chờ ỷ lại, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.

Lắp đặt hệ thống loa truyền thanh không dây để truyền tải thông tin cơ sở .
Lắp đặt hệ thống loa truyền thanh không dây để truyền tải thông tin cơ sở .

Xác đinh hạ tầng thông tin là cầu nối mang thông tin trực tiếp đến với người dân, huyện đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực triển khai đầu tư 235 cụm loa phát thanh không dây tại 19 xã, thị trấn và cơ bản đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân. Bà Sùng Thị Say, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Đồng Văn cho biết: Bên cạnh đầu tư hệ thống truyền thanh không dây, chúng tôi cũng chỉ đạo đến đội ngũ cán bộ tuyên truyền, tuyên truyền viên trau dồi kiến thức, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền tin đến các thôn bản, tại 19 xã, thị trấn.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền được huyện Đồng Văn triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, đa dạng về nội dung như tổ chức: Ngày hội tuyên truyền về giảm nghèo, tuyên truyền hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền trực tiếp và thông qua các trang mạng xã hội…

Đặc biệt, phát huy đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở người dân tộc thiểu số, tổ chức hướng dẫn cặn kẽ đến từng hộ nghèo, cận nghèo trong việc vay vốn đầu tư phát triển sản xuất; thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; hỗ trợ các hộ đăng ký thoát nghèo…

Thực tế, qua triển khai công tác truyền thông về giảm nghèo, đại đa số người dân trên địa bàn huyện đã được tiếp cận những thông tin hữu ích.

Qua đó, áp dụng vào thực tế, nhiều hộ gia đình đã có những cách làm hay, sáng tạo, từ bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự ý thức vươn lên thoát nghèo. Qua rà soát đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm xuống còn 63%.

Báo Hà Giang về thôn Má Lầu B, xã Má Lé, góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền giảm nghèo.
Báo Hà Giang về thôn Má Lầu B, xã Má Lé, góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền giảm nghèo.

Dù đạt được nhiều kết quả khả quan, công tác truyền thông giảm nghèo tại Đồng Văn vẫn đối mặt với không ít thách thức, như khả năng tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế, một số thôn bản ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận thông tin do đường sá cách trở.

Việc thay đổi thói quen và tư duy cố hữu của một số người dân cần thời gian và sự kiên trì. Các chương trình hỗ trợ giảm nghèo dù hiệu quả, nhưng vẫn gặp khó khăn về kinh phí và nhân lực.

Huyện Đồng Văn dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình truyền thông theo hướng đưa truyền thông đến gần hơn với từng hộ dân, tăng cường các buổi tuyên truyền lưu động tại các thôn, bản xa xôi, kết hợp với các hình thức truyền thông hiện đại.

Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ hiểu dân, sát dân, để chuyển tải thông điệp một cách hiệu quả; lan tỏa các mô hình giảm nghèo thành công. Với sự nỗ lực của huyện trong công tác truyền thông đang từng bước biến những giấc mơ thoát nghèo của hàng nghìn hộ dân thành hiện thực.

 Theo Thiện Ngay Báo Hà Giang