Báo chí Trung Quốc phản ứng khá lãnh đạm trước việc Hàn Quốc tuyên bố mở
rộng vùng phòng không của nước này trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực đang
leo thang vì tranh chấp lãnh thổ.
TIN BÀI LIÊN
QUAN:
Ảnh: Vùng phòng không mở rộng của Hàn Quốc bao trùm cả
một bãi đá ngầm mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Đông.
Phần lớn các hãng tin chính thống và giới chuyên gia ở Trung Quốc coi nhẹ động thái mới của Hàn Quốc.
Ngày 8/12, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo họ đã tư vấn với các láng giềng về việc mở rộng vùng nhận diện phòng không hiện thời của nước này (KADIZ) và quyết định mới có hiệu lực từ ngày 15/12.
Hành động của Seoul được đưa ra 2 tuần sau khi Trung Quốc đơn phương công bố vùng nhận diện phòng không mới (ADIZ) trên biển Hoa Đông ngày 23/11. Vùng không gian này bao trùm một bãi đá ngầm mà người Hàn Quốc gọi là Ieodo, người Trung Quốc gọi là Suyan còn quốc tế gọi là Socotra.
Nhật Bản ngay lập tức đã lên tiếng phản đối ADIZ của Trung Quốc vì nó cũng bao trùm quần đảo nhỏ Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên đang tranh chấp.
Báo Globale Times xem không lực Hàn Quốc chỉ là "người bảo vệ danh dự" của một "nước nhỏ" và tuyên bố việc mở rộng vùng phòng không của nước này "không có ý nghĩa quân sự thực sự".
"Hàn Quốc cần tính đến những hậu quả nghiêm trọng nếu họ vượt quá các giới hạn trong quan hệ Trung - Hàn. Trung Quốc có rất nhiều đòn bẩy để phá Hàn Quốc về mặt kinh tế hoặc ngoại giao trên bán đảo", báo này cảnh báo.
Trên các tờ báo chính thống khác của Trung Quốc như Nhật báo Quân đội Nhân dân hoặc Nhật báo Nhân dân, chỉ có một bản tin ngắn về KADIZ xếp sau các tin tức thời sự quốc tế.
Liu Jiangyong, một phó giám đốc thuộc Viện Các nghiên cứu quốc tế tại Đại học
Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận định với báo Ta Kung Pao ở Hongkong rằng trái với
việc "Nhật Bản từ chối liên lạc và có thái độ xấu", Seoul nhiều khả năng sẽ tham
vấn chặt chẽ với Bắc Kinh về các vùng phòng không chồng lấn giữa hai nước để
tránh xung đột.
Lu Chao, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên tại Học viện
Khoa học Xã hội Liêu Ninh, cho rằng động thái của Seoul "không phải là một cử
chỉ thiện chí đối với Trung Quốc" nhưng ông cũng nhận thấy rất ít nguy cơ xảy ra
một sự sụp đổ trong quan hệ song phương.
Thanh Hảo (Theo BBC)