Với phim Spider-man: No Way Home (Người Nhện: Không còn nhà), sự xuất hiện của Spider-man trong quá khứ và hiện tại đã gây xôn xao về việc nam diễn viên nào mang đến màn ảnh sự diễn giải chân thực và toàn diện nhất về Người Nhện: Tobey Maguire, Andrew Garfield hay Tom Holland?
Mỗi tài tử đảm nhận “trách nhiệm cao cả” đóng vai Peter Parker đã làm theo cách riêng của họ để đạt được mức độ thành công khác nhau. Đó là nét quyến rũ thực tế của Maguire, tâm trạng đau khổ u sầu của Garfield và sự ngây thơ lạc quan của Holland.
Song không diễn viên nào có khả năng thể hiện phong cách anh hùng thực sự của nhân vật Spider-man trên màn ảnh rộng. Hình tượng Người Nhện của truyện tranh bị giới hạn bởi tính thực tế khi làm phim live-action. Trong khi đó, nguyên bản truyện tranh, chuyển thể hoạt hình có dư địa để thể hiện tốt nhất loại động lực học và hình thức kể chuyện dài xứng đáng với nhân vật.
Xuyên suốt sự nghiệp của Spider-man trong gần 60 năm lịch sử truyện tranh, nhân vật này và một vũ trụ thực sự gồm các anh hùng người nhện thay thế đã chứng tỏ khả năng và tinh thần thể thao mà không diễn viên nào thực hiện được nếu không có sự trợ giúp đắc lực của hiệu ứng hình ảnh.
Maguire, Garfield và Holland trong bộ đồ màu xanh-đỏ mang tính biểu tượng, đã có những màn nhào lộn bay cao và parkour siêu phàm. Tuy nhiên, tất cả được hỗ trợ bởi các hiệu ứng CGI (computer-generated imagery, nghĩa là hình ảnh do máy tính tạo ra) nhiều đến mức họ gần như là những con rối.
Tranh vẽ phát huy thế mạnh của Người Nhện
Trong phim hoạt hình Spider-man: Into the Spider-Verse (Người Nhện: Vào vũ trụ nhện) và Spider-man: Across the Spider-Verse (Người Nhện: Du hành vũ trụ nhện), Người Nhện xuất hiện với tất cả khả năng của mình.
Thay vì ép Spider-man phải di chuyển theo các ranh giới của chủ nghĩa hiện thực người thật đóng và những gì con người có thể làm được, truyện tranh hoặc hoạt hình cho phép thể hiện đầy đủ chất siêu phàm của Người Nhện. Một thứ ngôn ngữ hình ảnh có thể minh họa đầy đủ bất cứ điều gì con nhện có thể làm.
Mô tả của Spider-man: Into the Spider-Verse về chiến đấu bằng động năng và đu tơ nhện không giống bất cứ thứ gì mà màn ảnh từng thấy trước đây với nhân vật Người Nhện.
Các cảnh như Miles Morales (Người Nhện) đưa những người mới bắn tơ nhện lượn quanh thành phố hay màn thoát khỏi Doc Ock (Tiến sĩ Bạch Tuộc) trong khu rừng đặc tả màn đu tơ nhện với động lượng và tốc độ ấn tượng hơn bao giờ hết.
Những cảnh này cũng kết hợp sức mạnh thể chất của Người Nhện theo nhiều cách khác nhau so với phim live-action, nổi bật là sử dụng kỹ năng nhào lộn và thể hiện các chiến công mạnh mẽ trên cơ sở thực tế từng khoảnh khắc, từng khung hình.
Spider-man: Across the Spider-Verse cũng có một cuộc đấu kinh thiên động địa giữa Miles Morales và Spider-man 2099, kết hợp hành động và tạo dáng theo phong cách truyện tranh cực kỳ mạnh mẽ không thể tái hiện trong các phim live-action.
Biểu cảm trên khuôn mặt cũng là yếu tố quan trọng của hoạt hình và khả năng truyền tải nhiều loại cảm xúc chỉ qua đôi mắt của mặt nạ Người Nhện khiến các bức vẽ truyện tranh, hoạt hình thậm chí còn sống động hơn cả mặt nạ tĩnh của người đóng.
Hoạt hình giống truyện tranh hơn
Truyện tranh Spider-man được chuyển thể thành nhiều loạt phim hoạt hình dài tập như Fox Kids của thập niên 90, The Spectacular Spider-Man năm 2008…
Mỗi tập phim diễn ra và kết thúc giống như một vấn đề trong truyện tranh và đưa người xem theo suốt chặng đường dài đấu tranh của Người Nhện ngày nối ngày.
Giống như huyền thoại rừng già bất tử Tarzan của nhà văn Edgar Rice Burroughs, không diễn viên nào có thể vận dụng hết động tác thể dục dụng cụ của Người Nhện nếu thiếu sự trợ giúp của kỹ xảo điện ảnh.
Song những tựa phim như Spider-man: Into the Spider-Verse, Spider-man: Across the Spider-Verse… vừa thể hiện đúng chất Người Nhện nhất, vừa tạo động lực để các hãng đưa nhân vật truyện tranh Marvel vào phim live-action nhằm đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng khán giả hơn.
Linh Nhi (Theo Collider, Marvel)