Tại chương trình bàn tròn Kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp do VNDirect tổ chức giữa tuần qua, TS.Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã đưa ra các phân tích về tình trạng khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Theo ông Nghĩa, một trong những nguyên nhân có xuất phát điểm từ việc thị trường bất động sản Việt Nam là thị trường đầu cơ tài nguyên. Vòng xoay liên tục, vay tiền ngân hàng để mua bất động sản, kích giá bán, rồi lại vay mua tiếp và lại kích giá.
Do đó, cần nắn toàn bộ thị trường bất động sản, không thể để tình trạng nhà cửa toàn xây hạng sang. Ông dẫn chứng, theo đúng chuẩn mực của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giá nhà vượt quá tổng 30 năm tiền lương trung bình của một công nhân là có dấu hiệu bong bóng nhà đất. Trong khi, tính toán sợ bộ, giá nhà tại Việt Nam đã bằng 60 năm tiền lương, cao gần gấp đôi Trung Quốc - khoảng 34 năm.
Ông Nghĩa lo ngại về tình trạng đổ xô đi buôn đất, kiểu "đại gia làm giá bất động sản, trung gia và tiểu gia cũng vậy".
Theo ông, chính từ hoạt động kích giá bất động sản, lãi suất huy động cao, dần dần đẩy các tài sản rơi vào tình trạng mất thanh khoản và điều này đã được Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia báo cáo cho các lãnh đạo cấp cao.
"Các đề án giúp thị trường bớt căng thẳng, ra khỏi cơn khủng hoảng đang được thực hiện khẩn trương, tính thời gian từng ngày và trực tiếp Thủ tướng chỉ đạo", ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa đề xuất, với khoảng 900.000 tỷ tiền đầu tư công của Chính phủ (đã bán trái phiếu hút tiền về), trong số này có 300.000 tỷ đang gửi tại ngân hàng quốc doanh thì sử dụng 500.000 tỷ để thành lập quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp giống như Hàn Quốc và Trung Quốc đang làm. Quỹ này đứng ra bảo lãnh toàn bộ cho trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành, đang phát hành và sẽ phát hành để người dân mua. Thậm chí, những trái phiếu đã đáo hạn mà không có khả năng xử lý thì quỹ cũng mua lại. Đổi lại, quỹ nắm nắm tài sản của doanh nghiệp và có hướng xử lý trong tương lai.
"Doanh nghiệp không đau thì không có những bài học"
Cùng với đó, TS.Nghĩa kiến nghị tuyệt đối không hình sự hóa quan hệ kinh tế, khi tài sản của doanh nghiệp nằm ở thế dân sự thì mới có thể bán, xử lý, khất nợ được nếu có vấn đề xảy ra. Mặt khác, khi không hình sự hóa thì có thể cho phép các doanh nghiệp tái cấu trúc nợ trái phiếu. Doanh nghiệp cần làm đề án, công khai cho các cơ quan giám sát, toàn thị trường biết kế hoạch tái cấu trúc khoản nợ. Nếu không tái cấu trúc được thì quỹ của Chính phủ sẽ đảm nhận.
“Chỉ những giải pháp như vậy mới giải quyết được thị trường trái phiếu trong 1-2 năm tới. Các giải pháp cần được tiến hành trước Tết chứ không thể kéo dài hơn”, ông nói.
Bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VNDirect cho rằng, những gì đang diễn ra trên thị trường là khi niềm tin bị khủng hoảng, dẫn tới sự tháo chạy của nhà đầu tư. Thời sự nhất là mỗi sáng mở bảng điện là thấy cổ phiếu chất bán sàn, đặc biệt là các cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản.
Tuy nhiên, điều này chỉ đại diện một phần rất nhỏ cho nền kinh tế. Kinh tế thế giới cũng có những tai nạn, đó là thử thách cần có để tái cấu trúc. Sự điều chỉnh giúp mỗi quốc gia nhận biết được các điểm cần hoàn thiện.
“Doanh nghiệp cần quay về khám lại sức khỏe của chính mình, không đau thì không có những bài học. Nếu không có bài học thì không thể đón nhận những cơ hội lớn hơn trên thị trường và triển vọng kinh tế Việt Nam về lâu dài”, Chủ tịch VNDirect chia sẻ.