Ngày 29/12, TSMC đã tìm cách xoa dịu lo ngại về việc những khoản đầu tư lớn của công ty này tại Mỹ có thể làm suy yếu ngành công nghiệp bán dẫn chiến lược quan trọng của Đài Loan trong thời điểm căng thẳng giữa eo biển này đang gia tăng.
Chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới đã đầu tư tổng cộng 1,86 nghìn tỷ đô-la Đài Loan (60,4 tỷ USD) cho quy trình sản xuất chip 3 nanomet và 5 nanomet (nm), những vi xử lý tiên tiến nhất thế giới hiện tại, ở xưởng đúc của họ ở Đài Nam, Tây Nam Đài Loan.
Số tiền này gần gấp đôi so với 40 tỷ USD mà TSMC dự định đầu tư vào Mỹ, cho thấy “cam kết của công ty đối với Đài Loan” - Liu nói trong buổi lễ khánh thành đợt mở rộng và bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 3nm của công ty.
Phần lớn hoạt động sản xuất của TSMC vẫn được đặt tại hòn đảo này nhưng công ty đã bắt đầu xây dựng thêm nhiều nhà máy đúc chip khác tại Mỹ và Nhật Bản trong bối cảnh các quốc gia và khách hàng trên khắp thế giới đều đang đẩy mạnh sản xuất chip trong nước. Công ty của Đài Loan cũng đang xem xét xây dựng nhà máy đầu tiên ở châu Âu, đặt tại Đức.
Lãnh đạo TSMC cho biết, khoản đầu tư tại Đài Nam tạo ra khoảng 10.000 việc làm công nghệ cao và 23.000 nhân công xây dựng, đồng thời cho biết bán dẫn sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ trong hơn 10 năm tới.
Xưởng đúc của TSMC tại Mỹ cũng sẽ sản xuất chip trên quy trình công nghệ 3nm, tuy nhiên hiện tại công nghệ 2nm vẫn nằm hoàn toàn tại Đài Loan.
Đài Loan là một trong những trung tâm công nghệ quan trọng nhất của châu Á, sở hữu ngành công nghiệp bán dẫn lớn thứ 2 thế giới tính theo doanh thu, chỉ xếp sau Mỹ. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị tại khu vực đã buộc TSMC phải đa dạng hoá một số hoạt động sản xuất sang các địa điểm khác.
Thế Vinh (Theo Nikkei Asia)