Dư sức giành trên 100 HCV
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN tham dự SEA Games 32 Đặng Hà Việt cho biết biết, đoàn TTVN đặt mục tiêu từ 90-120 HCV, qua đó đứng trong top 3 Đại hội.
So với kỳ SEA Games 31 trên sân nhà (205 HCV), số lượng HCV của đoàn TTVN theo mục tiêu nói trên giảm tới một nửa. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi chúng ta mất nhiều môn thế mạnh, chưa kể các nội dung cũng bị "bóp" lại.
Chẳng hạn như ở đa số các môn võ, Việt Nam và các quốc gia trong khu vực chỉ được dự 70% số nội dung, trong khi chủ nhà Campuchia được 100%. Ở hầu hết các nội dung thế mạnh khác của Việt Nam, cũng bị cắt giảm từ 20-30% so với kỳ SEA Games trước.
Theo tính toán của lãnh đạo đoàn, TTVN mất khoảng 50 HCV từ việc bị cắt giảm các môn thi đấu, các nội dung tại SEA Games 32. Tất nhiên, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác cũng chịu cảnh mất huy chương, nên cuộc đua vào top 3 vì thế giảm bớt căng thẳng.
Có một thực tế là Việt Nam muốn "bay" khỏi top 3 cũng... khó. Kể từ khi nhất toàn đoàn năm 2003 tại kỳ SEA Games lần đầu tổ chức ở Việt Nam, đoàn TTVN chưa từng nằm ngoài 3 đoàn đứng đầu Đại hội.
Không chỉ 2 lần xếp nhất khi được thi đấu trên sân nhà, tại SEA Games 30 vào năm 2019, Việt Nam còn vươn lên giành vị trí thứ 2, vượt qua Thái Lan nhờ hơn 6 HCV và chỉ kém chủ nhà Philippines.
Theo tính toán của giới chuyên môn, việc ngành thể thao đặt mục tiêu từ 90-120 HCV là có phần an toàn và giảm áp lực cho các VĐV. Với vị thế của TTVN, chúng ta dư sức giành trên 100 HCV, thậm chí vượt qua cả "mức trần" 120 HCV như mục tiêu đăng ký.
Cần chất lượng hơn số lượng
Ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao (Tổng cục TDTT), cho biết: "Dù SEA Games 32 đoàn TTVN gặp nhiều khó khăn do chủ nhà cắt giảm nhiều môn thế mạnh, nhưng chúng ta vẫn là quốc gia có sự ổn định về thành tích ở sân chơi khu vực.
Tôi lấy ví dụ như đội tuyển điền kinh dù có sự biến động về lực lượng nhưng vẫn có thể giành từ 15-18 HCV. Đội tuyển bơi có VĐV nam rất mạnh, cũng có thể giành nhiều HCV như kỳ SEA Games 31. Nói tóm lại, TTVN có đủ khả năng hoàn thành chỉ tiêu HCV, thậm chí vượt qua".
Tuy nhiên, theo ông Minh, điều mà các nhà chuyên môn quan tâm hơn cả là chất lượng của những tấm HCV của đoàn TTVN. Từ những tấm HCV này, các VĐV Việt Nam liệu có đủ sức vươn tầm châu lục, thế giới?
“Trong khoảng 20 năm qua, nhất là sau SEA Games 22 năm 2003 giành vị trí thứ nhất toàn đoàn, tôi đã đề nghị TTVN phải tập trung phát triển những môn thể thao trong chương trình Olympic.
Chúng ta không cần quan tâm tới thứ hạng ở SEA Games mà tập trung lo đầu tư cho VĐV trọng điểm, phải chấp nhận có thể ít HCV ở SEA Games để sớm cải thiện thành tích ở Asiad, Olympic. Nếu còn tiếp tục do dự trong quan điểm phát triển hoặc lấn cấn các chỉ tiêu SEA Games thì TTVN sẽ chậm phát triển”, ông Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.
Về vấn đề này, chia sẻ với VietNamNet, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn thông báo một thông tin quan trọng liên quan tới sự thay đổi mang tính cách mạng ở SEA Games.
"Vừa rồi Hội đồng Đông Nam Á có triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để đưa ra một số thay đổi rất quan trọng về công tác tổ chức SEA Games. Bắt đầu từ SEA Games 33 được tổ chức tại Thái Lan năm 2025, sẽ một nguyên tắc hoàn toàn mới và mang tính đột phá.
Các quốc gia đăng cai phải thực hiện đúng quy định tổ chức các môn thể thao Olympic, quy định số lượng môn của Asiad, và đặc biệt là quy định số lượng các môn ở nhóm 3, tức là môn thể thao khu vực.
Các môn truyền thống của mỗi quốc gia đăng cai tổ chức sẽ không vượt quá 2 môn và không được quá 8 nội dung. Đây là quy định nhằm tránh trường hợp tổ chức tới mấy chục nội dung như chủ nhà Campuchia ở SEA Games 32", ông Phấn cho hay.
Với sự thay đổi này, từ SEA Games 33 tổ chức tại Thái Lan năm 2025, TTVN sẽ chỉ còn tập trung vào các môn Asiad và Olympic để từ đó làm cơ sở, thước đo chính xác nhất cho sự phát triển của thể thao nước nhà.
Xem ngay lịch thi đấu SEA Games 32 mới nhất!