Bác sĩ Loo Choon Yong, 75 tuổi, đồng sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn Y tế Raffles, có hơn bốn thập kỷ kinh nghiệm làm nghề y và điều hành cơ sở y tế.
Khi còn là học sinh, ông Yong rất quan tâm đến vật lý và khoa học đồng thời có niềm đam mê đọc sách. Tuy nhiên, thay vì trở thành một nhà khoa học, ông được cha khuyến khích theo đuổi ngành y để hỗ trợ gia đình gồm 6 anh chị em khác.
Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Yong trên Mothership:
Tôi chưa bao giờ muốn trở thành bác sĩ.
Gia đình 9 người chung 1 phòng
Sự thật là chúng tôi luôn phải vay tiền. Bố tôi làm việc ở ngân hàng, vay tiền một người bạn làm nha sĩ và trả nợ sau khi bố tôi nhận được 3 tháng tiền thưởng hằng năm.
Làm trong ngân hàng được đánh giá là công việc rất tốt. Cha tôi có học thức và nói được 2 thứ tiếng. Ông dạy tiếng Anh ở trường tiểu học 1 tiếng vào buổi sáng trong tuần, làm việc ở ngân hàng 5 ngày rưỡi một tuần và dạy kèm vào các buổi tối.
Thời gian rảnh rỗi duy nhất của cha tôi là Chủ nhật. Khi đó, ông sẽ đưa chúng tôi đến nhà thờ. Vào buổi chiều, ông chơi mạt chược với bạn bè.
Gia đình tôi (bố mẹ tôi và 7 người con) ở trong một phòng. Tôi không có giường. Vì vậy, tôi ngủ trên một tấm ga trải giường, thực ra là một tấm vải. Nơi chúng tôi ở là một nhà kho đã được ngăn lại. Vách ngăn không cách âm. Tất nhiên là không có điều hòa.
Trở thành bác sĩ vì gia đình
Tôi mãi mãi biết ơn thầy Wee, giáo viên lớp 6 của tôi.
Cha tôi là bạn cùng lớp với ông ở trường nam sinh Presbyterian, một ngôi trường khá tốt trước chiến tranh. Vì vậy, đến lúc tôi lên cấp hai, bố đã chọn trường nam sinh Presbyterian, chúng tôi cũng ở ngay gần đó.
Thầy Wee rất nghiêm khắc. “Đến đây”, ông luôn gọi chúng tôi như vậy, giơ ngón trỏ ra hiệu. “Đến đây, Choon Young. Trò hãy lấy mẫu đơn này và nói với cha đặt Viện Raffles là lựa chọn đầu tiên. Nếu ông ấy muốn Viện PBS, đó là lựa chọn thứ hai. Trò có thể để trống lựa chọn thứ ba”, ông gợi ý lựa chọn đại học cho tôi.
Tôi tới học ở Viện Raffles như thế đó. Tôi đã có một cú sốc trong đời. Tất cả mọi người đều rất thông minh. Ai cũng thông minh hơn tôi.
Từ lúc 13 tuổi, tôi chưa bao giờ ngừng đọc. Tôi đọc nhiều thứ khác nhau và tôi khám phá ra vẻ đẹp của đọc sách và ngôn từ! Sách rất đắt. Những cuốn sách duy nhất tôi có là các giải thưởng hằng năm.
Ở đại học, tôi đến Thư viện Quốc gia ở Bras Basah. Tôi đọc gần như một cuốn sách mỗi ngày. Đó là lúc tôi đọc Charles Dickens và tất cả những tác phẩm kinh điển.
Vào kỳ 3, tôi phải quyết định học kỹ thuật, khoa học thuần túy, y học hay kinh tế, lịch sử. Thế là bố tôi hỏi: “Con muốn làm gì?”.
Tôi đáp: “Con muốn trở thành một nhà khoa học - nhà khoa học hạt nhân, vật lý học”. Bạn phải nhớ rằng vào thời điểm đó, năng lượng hạt nhân rất được quan tâm.
Sau đó, bố nói với tôi: "Có vẻ đó không phải là một ý kiến hay. Singapore không đi sâu vào những lĩnh vực này. Tại sao con không làm trong lĩnh vực y khoa. Bố chưa bao giờ thấy bác sĩ chết đói. Bác sĩ có thể có cuộc sống khá giả, con có thể giúp đỡ các em”.
Lúc đó, bố tôi đã là quản lý ở ngân hàng. Nhưng nhiều anh chị em của tôi ở độ tuổi đại học. Chị gái tôi đi làm giao dịch viên ở một ngân hàng sau khi tốt nghiệp để hỗ trợ bố mẹ nuôi các em.
Tới nay, tôi vẫn đọc rất nhiều báo, tạp chí định kỳ, đủ thứ. Và cả sách nữa, như hồi ký của Obama.
Tất nhiên, tôi vẫn làm việc. Công việc của tôi là suy nghĩ phải không? Tôi sắp xếp mọi thứ, tập hợp mọi người lại với nhau, những ý tưởng mới, dịch vụ mới.
Chúng tôi quản lý cơ sở y tế theo hướng kinh doanh. Bạn cần phải có lợi nhuận để có thể bền vững.
Nhưng động lực thường trực đối với chúng tôi luôn là làm cách nào để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn? Đó chính là lý tưởng thúc đẩy chúng tôi mở rộng; vì có nhiều người thích dịch vụ chăm sóc của chúng tôi hơn nên chúng tôi không ngừng mở rộng để phục vụ họ.
Tôi nghĩ công việc mang lại cho bạn ý nghĩa - ít nhất là đối với tôi. Tôi làm việc để củng cố ý tưởng này; làm cho mọi việc tốt hơn, giúp các đồng nghiệp trẻ. Đây là cách chúng ta làm mới chính mình.