Quốc lộ 1A qua TP Đông Hà (Quảng Trị) trở thành nỗi ám ảnh bởi xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Từ những chất vấn đến cùng của đại biểu Quốc hội, vấn đề được tháo gỡ khi một con đường mới sẽ được xây dựng...
Chất vấn nói riêng và hoạt động giám sát nói chung là một trong những nội dung quan trọng, không thể thiếu trong các kỳ họp Quốc hội. Qua đó, các đại biểu đã “thổi” vào nghị trường những hơi thở của cuộc sống.
Đó là những bức xúc, day dứt của người dân về “con đường tử thần” xuyên qua trái tim thành phố Đông Hà, Quảng Trị do dự án đường tránh kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành vì thiếu vốn.
Đó là mong ước có được hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối liên vùng khu vực Tây Bắc để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.
Đó là những câu chuyện tréo ngoe trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia khi chủ trương đúng nhưng thủ tục quá rườm rà khiến cho nhiều địa phương rơi vào tình cảnh “có tiền mà không tiêu được”.
Với mục tiêu không ngừng “đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, chất vấn và trả lời chất vấn cũng như hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng chất lượng, sát thực tiễn với nhiều đổi mới, kịp thời giải quyết vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Đại biểu “truy đến cùng”, buộc các cơ quan chức năng phải “tháo gỡ đến cùng” đúng theo tinh thần “chất vấn, giám sát, hứa và làm”, không có chuyện hỏi suông, hứa suông rồi để đó.
Điều đó một lần nữa khẳng định vị thế của Quốc hội và vai trò của từng đại biểu Quốc hội, để xứng tầm là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”.
Sau hơn 5 năm chờ đợi, ngày 23/11 cử tri tỉnh Quảng Trị đón tin vui khi tỉnh đã nhận được nguồn vốn, tổ chức đấu thầu để triển khai, thi công, đưa “con đường đau khổ”, “con đường tử thần” thành “con đường an toàn”.
Đây là thành quả ngọt ngào mà đại biểu Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị cùng đại biểu của đoàn đã gặt hái được sau nhiều lần truy đến cùng Bộ trưởng GTVT tại nhiều phiên thảo luận về kinh tế xã hội cũng như chất vấn của Quốc hội thời gian qua. Thậm chí câu chuyện này cũng được ông Hà Sỹ Đồng chất vấn đến Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ đến cùng.
"CON ĐƯỜNG ĐAU KHỔ" VÀO NGHỊ TRƯỜNG
Dù chỉ vài cây số nhưng tuyến đường mới là niềm hy vọng, mong mỏi bấy lâu nay của hàng nghìn người dân sinh sống tại đây. Bởi tuyến quốc lộ 1A hiện nay chạy xuyên qua TP Đông Hà được xem là “điểm đen” giao thông tại Quảng Trị. Cứ một vài tuần mở báo ra đọc, người dân lại bàng hoàng khi có vụ tai nạn mới thương tâm xảy ra trên tuyến đường qua TP. Nơi đây được ví là nút giao thông “tử thần”, gieo rắc sự ám ảnh đối với người tham gia giao thông.
Dự án đường tránh phía Đông TP Đông Hà, Quảng Trị đã được Chính phủ, Bộ GTVT có chủ trương đầu tư với chiều dài khoảng 22,4km, được khởi công từ tháng 7/2018. Dự án chia làm 3 đoạn: Đoạn phía bắc 13 km, đoạn phía Nam 5km và đoạn giữa qua TP Đông Hà 4,2 km.
Sau nhiều năm triển khai, đoạn phía Nam nối ra Cầu Phước Mỹ, đoạn phía Bắc nối ra gần thị trấn Gio Linh được bố trí vốn ngân sách Trung ương đã hoàn thành. Riêng đoạn giữa qua TP Đông Hà chỉ 4,2km nhưng kéo dài hơn 5 năm vẫn chưa thể triển khai thực hiện do chưa bố trí được nguồn vốn nên không thể thông tuyến.
Nhiều năm nay, trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại tỉnh Quảng Trị, câu hỏi “khi nào hoàn thành tuyến tránh phía Đông TP Đông Hà” luôn được cử tri đau đáu đặt ra với đại biểu Quốc hội.
Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị và cá nhân đại biểu Hà Sỹ Đồng trong những lần đi tiếp xúc cử tri đều nhận rất nhiều ý kiến, kiến nghị về câu chuyện này.
Trong nhiều vấn đề cử tri kiến nghị, có những nội dung các đại biểu chuyển đơn bằng hình thức gián tiếp, có những vấn đề “nóng quá” được đại biểu chất vấn trực tiếp tại hội trường.
Và vấn đề nóng nhất của tỉnh Quảng Trị tại các kỳ họp Quốc hội gần đây đó là câu chuyện “các TP trên cả nước đều có đường tránh nhưng riêng Quảng Trị không có”.
Chính vì vậy, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 (tháng 6/2022), đại biểu Hà Sỹ Đồng đã đưa dự án này ra để chất vấn Bộ trưởng GTVT.
Cụ thể tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ngày 1/6/2022, đại biểu Hà Sỹ Đồng đã tha thiết nói lên tiếng lòng của cử tri gửi đến Quốc hội, Chính phủ về dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà.
Điều đáng nói là công trình đã được đầu tư 2 đầu, chỉ còn đoạn giữa qua Đông Hà. Hàng ngày, hàng đêm, dòng xe tải, container nối đuôi nhau rầm rập chạy xuyên qua “trái tim” thành phố trong sự nơm nớp lo sợ của người dân.
“Đã có hàng trăm vụ tai nạn gây nhiều thương vong cho người dân trên con đường đau khổ, con đường tử thần này. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT, đơn vị chủ đầu tư khẩn trương phối hợp với lãnh đạo tỉnh có giải pháp đầu tư phần đường còn lại để được thông tuyến, nhất thiết không để dự án đầu tư dở dang, lãng phí lớn nguồn lực của quốc gia và hệ lụy vô cùng to lớn của nhân dân nơi đây”, Đại biểu Hà Sỹ Đồng gửi tâm tư của cử tri đến nghị trường Quốc hội.
Tiếp đó, trong phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT vào ngày 9/6/2022, đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) cũng nhắc lại câu chuyện này.
Đại biểu truyền đạt ý kiến của cử tri Quảng Trị gửi đến Bộ trưởng GTVT với mong muốn có giải pháp đầu tư 4,2 km còn lại để nối tuyến, thông đường tránh, giảm áp lực cho giao thông trên TP Đông Hà cũng như tránh những hệ lụy hết sức lớn cho người dân.
Quảng Trị là địa phương duy nhất chưa có đường tránh đi qua thành phố khi nguồn vốn đầu tư công trung hạn đã được bố trí. “Vậy biết bao giờ đường tránh TP Đông Hà mới được thông tuyến?”. Vừa chất vấn, đại biểu vừa nghẹn ngào kể: “Ngay trong sáng nay tôi đang chất vấn Bộ trưởng thì tại cầu Đông Hà đã xảy ra một vụ tai nạn”.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng và Đại biểu Hồ Thị Minh chất vấn tại Quốc hội về chậm thi công tuyến đường tránh qua TP Đông Hà.
Từ thực tế đó, đại biểu tỉnh Quảng Trị nói lên mong muốn của cử tri đến Bộ trưởng GTVT để cân đối từ nguồn vốn kết dư của dự án 13km và nguồn dùng để bảo trì, tu dưỡng đường bộ cùng với địa phương tháo gỡ, sớm thông tuyến, không để lãng phí.
LỜI HỨA VÀ HÀNH ĐỘNG
Sau phần chất vấn của các đại biểu tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng GTVT cam kết sẽ tham mưu với Chính phủ theo hướng vốn dư của 13 km còn bao nhiêu thì kết hợp với nguồn vốn của địa phương để thực hiện làm 4,2 km còn lại. Bộ trưởng đề xuất lãnh đạo tỉnh Quảng Trị nghiên cứu, nếu kết hợp được như vậy thì báo cáo Chính phủ để thực hiện đoạn đường này.
Nghe được lời hứa như vậy, đại biểu Hà Sỹ Đồng vẫn chưa an tâm. Đến phiên chất vấn Thủ tướng, ông lại tiếp tục đề cập nội dung này.
“Sau đó Thủ tướng đã gặp tôi bên hành lang Quốc hội để trao đổi lại”, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị cho hay.
Ông bày tỏ phấn khởi khi nghe Thủ tướng cho biết đã giao Bộ KH&ĐT phối hợp cùng Bộ GTVT giải quyết nguồn vốn để tiếp tục thi công, hoàn thiện tuyến đường nhằm giải quyết bức xúc cho cử tri Quảng Trị.
Ngày 25/2/2023, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của tỉnh Quảng Trị, Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT bố trí 230 tỷ đồng đưa dự án này trở thành 1 trong 10 danh mục cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 4).
Ngày 23/11/2023 vừa qua tỉnh Quảng Trị đã nhận vốn, tổ chức đấu thầu để triển khai, thi công con đường.
“Tôi hy vọng rằng đến năm 2024 con đường này sẽ hoàn thành, từ đó giúp phân luồng, điều tiết các phương tiện, đặc biệt là xe tải, container, xe quá khổ. Từ đó con đường này không là “con đường đau khổ, con đường tử thần” như người dân địa phương thường ví von mà thực sự trở thành con đường an toàn”, đại biểu Hà Sỹ Đồng kỳ vọng.
Ông cũng cho biết, trước kỳ họp thứ 6, khi tiếp xúc cử tri đại biểu đã thông báo kết quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với bà con, nhân dân thì ai nấy đều rất phấn khởi và mong chờ từng ngày, từng đêm con đường sớm hoàn thành.
“Qua đây có thể thấy bà con cử tri rất tin tưởng vào hoạt động của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội khi đã truyền tải kịp thời hơi thở của cuộc sống, những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn của địa phương để thúc đẩy các cơ quan Trung ương có giải pháp, tháo gỡ”, Phó Chủ tịch Hà Sỹ Đồng bày tỏ.
Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, đại biểu Hà Sỹ Đồng đã trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc về chính sách vay vốn đối với hộ nghèo ở các xã, vùng đặc biệt khó khăn, mức vay ưu đãi tối đa 50 triệu đồng.
Theo ông Đồng, mức vay này quá thấp và thực tế là một số thôn đặc biệt khó khăn không nằm trong xã đặc biệt khó khăn nên không được tiếp cận nguồn vốn này.
“Qua tiếp xúc cử tri, bà con cũng rất phàn nàn và phản ánh về những bất cập này. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết giải pháp để khắc phục”, đại biểu Hà Sỹ Đồng chất vấn.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Bộ đã trình Chính phủ ban hành quyết định về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.
Trong đó mở rộng đối tượng vùng khó khăn được thụ hưởng chính sách, tức là các thôn đặc biệt khó khăn không thuộc xã đặc biệt khó khăn vẫn được hưởng chính sách này và nâng mức vốn vay tối đa từ 50 triệu/người lên 100 triệu/người.