TRUNG QUỐC - Nhà toán học nổi tiếng Thẩm Tiệp từ chối chức danh cao quý nhất - ‘Giáo sư xuất sắc’ do Đại học Purdue (Mỹ) phong tặng sau 21 năm làm việc để về nước cống hiến ở tuổi xế chiều.
Giáo sư xuất sắc (Distinguished Professor) là chức danh cấp cao nhất trong trường đại học. Người đạt được chức danh này, không chỉ nâng cao uy tín, còn mang đến sự lựa chọn tốt hơn về nguồn lực nghiên cứu và tự do học thuật. Mặc dù, vị trí đem đến cả danh lẫn lợi, nhưng giáo sư Thẩm Tiệp vẫn từ chối để về nước.
'Mong muốn về nước từ lâu'
Tháng 8/2023, Đại học Purdue (Mỹ) phong tặng chức danh Giáo sư xuất sắc cho nhà toán học Thẩm Tiệp. Đây là sự công nhận xứng đáng sau 21 năm ông cống hiến tại trường. Tuy nhiên, ông đã từ chối chức danh này và quyết định về nước làm việc. Nhà toán học Thẩm Tiệp chia sẻ, quyết định của bản thân không được bạn bè ủng hộ, đặc biệt là các đồng nghiệp ở trường.
Ông cho biết mong muốn về Trung Quốc từ lâu. Khi ấy, giáo sư Trần Thập Nhất còn là Hiệu trưởng Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Đông Ninh Ba đã mời ông về. Tuy nhiên, thời điểm đó con gái út của giáo sư vừa lên cấp 2. "Hiện tại, con đã vào đại học, tôi yên tâm về nước cống hiến. Quyết định của tôi được vợ đồng ý", ông cho hay.
Nói về lý do chọn Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Đông Ninh Ba làm điểm dừng chân sau 21 năm cống hiến ở nước ngoài, giáo sư Thẩm Tiệp cho rằng vì môi trường phù hợp với bản thân. "Với tôi, có cơ hội được làm việc tại đây đáng để mong đợi".
Khác với đại học truyền thống, đây là trường đào tạo theo mô hình kiểu mới có phương pháp giáo dục và công tác quản lý tân tiến. Đây là yếu tố quan trọng để giáo sư Thẩm Tiệp đưa ra quyết định về Trung Quốc.
Trước đó, ông lo khó thích nghi với môi trường làm việc trong nước. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng giáo sư nhận thấy kinh nghiệm và khả năng phù hợp với Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Đông Ninh Ba.
"Nhìn nhận khách quan, môi trường nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước có sự khác biệt. Tôi chọn Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Đông Ninh Ba vì phong cách nghiên cứu và môi trường làm việc phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Hơn nữa, quan hệ nhân sự trong trường đơn giản không phức tạp. Quyết định về nước là cơ hội tốt để tôi phát triển bản thân vì có thể xây dựng được môi trường học thuật chuyên nghiệp từ đầu. Mọi thứ của tôi mới chỉ bắt đầu, nên phía trước còn nhiều khó khăn và thách thức", nhà toán học Thẩm Tiệp bày tỏ.
Ở tuổi xế chiều, giáo sư Thẩm Tiệp không lo vì sắp phải nghỉ hưu. Điều ông quan tâm nhất là đóng góp được gì cho đất nước: "Tôi không để ý đến những lời đàm tiếu xung quanh về nước để nghỉ hưu. Điều tôi trăn trở có thể cống hiến được thêm bao nhiêu năm nữa".
Về phía bản thân ông không cảm thấy già. Với sức khỏe hiện tại, giáo sư khẳng định sẽ cống hiến được 6-7 năm nữa. "Đối với nam giới sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60, nhưng ở Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Đông Ninh Ba có thể linh hoạt hơn".
Kế hoạch phát triển Viện Khoa học Toán học
Đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Khoa học Toán học, giáo sư Thẩm Tiệp cho biết trước mắt cần thu hút tài năng xuất sắc nghiên cứu bao gồm giảng viên, học viên và sinh viên về làm việc dài hạn. Về kế hoạch phát triển, ông mong muốn tập trung vào nghiên cứu liên ngành bên cạnh việc duy trì theo định hướng truyền thống.
Điều này tận dụng được tối đa quan điểm sẵn có của trường chuyên về lĩnh vực kỹ thuật và thông tin. Giáo sư Thẩm Tiệp đánh giá hiện tại, đây là các ngành cần nhiều hợp tác với Toán học. Bước đầu, ông sẽ củng cố đội ngũ nghiên cứu Toán ứng dụng, sau đó tìm ra đột phá trong 'hợp tác chéo' (hợp tác liên ngành).
Theo giáo sư Thẩm Tiệp, để xây dựng môi trường học thuật chuyên nghiệp, cần phải tính đến cả nghiên cứu cơ bản lẫn ứng dụng.
Khi được hỏi: "Làm thế nào để phát triển được đội ngũ giỏi, đặc biệt là thu hút tài năng Toán học xuất sắc?". Ông cho rằng, ngoài yếu tố môi trường, mức lương và chế độ đãi ngộ tối thiểu phải ngang bằng với các trường đẳng cấp thế giới, mới có thể chiêu mộ được họ. Ông nhận định, nhân tài giỏi đang thiếu hụt nhiều và khắp nơi đều săn đón, nên để tuyển dụng họ là thách thức lớn.
Hiện nay, Trung Quốc ngày càng nhiều tài năng toán học xuất sắc, nhưng theo ông số lượng ở nước ngoài vẫn nhỉnh hơn. Do đó, quá trình tuyển chọn nhân tài về Viện Toán ở phạm vi toàn cầu. "Trong tương lai hầu hết các môn học sẽ giảng dạy bằng tiếng Anh. Vì vậy, tôi chào đón những thiên tài có trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc cả ở nước ngoài", ông tiết lộ.
"Hầu hết các vấn đề khoa học và kỹ thuật đều bắt nguồn từ việc giải Hệ phương trình hoặc tối ưu hóa Hàm mục tiêu. Thay vì thực hiện thí nghiệm thông thường, hiện nay nhiều nhà khoa học sẽ thu thập kết quả thông qua mô phỏng tính toán. Do đó, tôi sẽ tập trung vào việc xây dựng thuật toán giải quyết vấn đề này", giáo sư Thẩm Tiệp cho hay.
Giáo sư Thẩm Tiệp lưu ý, khi nghiên cứu Toán ứng dụng buộc phải giải quyết được vấn đề. Giữa toán thuần túy và ứng dụng không có hướng nghiên cứu nào quan trọng hay cao cấp hơn. Tuy nhiên, xu hướng hiện tại nhiều nhà nghiên cứu sẽ dùng Toán ứng dụng để giải quyết vấn đề. Bởi nó vừa bắt kịp thời đại, vừa không ngừng cải tiến để nâng cao tính ứng dụng trong thực tiễn.
"Tôi thừa nhận, Toán thuần túy từng giải quyết được nhiều vấn đề, nhưng gặp khó khăn trong việc tạo ra tính đột phá khi ứng dụng vào thực tiễn", giáo sư Thẩm Tiệp nhìn nhận.
Giáo sư Thẩm Tiệp tốt nghiệp khoa Toán Đại học Bắc Kinh năm 1982. Ông lấy bằng tiến sĩ Toán học tính toán năm 1987 ở Paris (Pháp) dưới sự hướng dẫn của bậc thầy Toán học nổi tiếng thế giới Roger Meyer Temam. Từ năm 1991-2001, Phó giáo sư Thẩm Tiệp làm việc Đại học bang Pennsylvania (Mỹ).
Năm 2002, ông giảng dạy Đại học Purdue (Mỹ). Từ năm 2012-2022, ông giữ chức Giám đốc Trung tâm Toán tính toán và Ứng dụng tại đây. Tháng 8/2023, ông từ chối chức danh 'Giáo sư xuất sắc' do Đại học Purdue phong tặng để về nước cống hiến sau 21 năm.
Giáo sư Thẩm Tiệp là chuyên gia nổi tiếng quốc tế về Tính toán và Phân tích số. Hướng nghiên cứu chính của ông là Nghiệm số phương trình vi phân từng phần. Ông đã xuất bản hơn 200 bài báo và 2 chuyên khảo trên các tạp chí quốc tế và được trích dẫn hơn 25.000 lần trên Google Scholar.
Ông từng nhận được giải thưởng Fulbright năm 2008 vì những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu Phương trình vi phân, được bầu làm thành viên của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ năm 2017 và thành viên SIAM năm 2020.