Nhiệm vụ quan trọng
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói đầy thúc giục, thiết tha tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải mới đây.
Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ dành khoảng 470.000 tỷ đồng đầu tư cho các dự án, công trình giao thông để góp phần tháo gỡ nút thắt hạ tầng, một trong 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước.
Trong bối cảnh các nguồn vốn cho nền kinh tế trở nên khô hạn, thì nguồn vốn đầu tư cho các công trình, dự án giao thông trọng điểm góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doành, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ an sinh xã hội.
“Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng”, như Thủ tướng nói.
Tại phiên họp, đại diện một số tỉnh nêu những khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phục vụ dự án, thực hiện thu hồi các mỏ đất, vật liệu xây dựng khai thác mới phục vụ thi công, thủ tục điều chỉnh dự án, bổ sung vốn đối với những dự án có sử dụng vốn nước ngoài, thời tiết diễn biến bất thường, mưa kéo dài,…
Đó là những khó khăn thường trực nhiều năm nay và cần phải được xử lý nhanh chóng, hiệu quả để đảm bảo thi công đúng tiến độ các công trình hạ tầng rất lớn của đất nước như đường cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành, hay các tuyến đường liên vùng, liên tỉnh đã khởi công.
Làm vì danh dự
Trên thực tế, chính quyền địa phương và doanh nghiệp xây dựng liên quan đến nhiều công trình trọng điểm đã có rất nhiều nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ thi công. Có những doanh nghiệp nói, dù không nhận được thanh toán đúng cam kết, họ vẫn nỗ lực thi công “vì danh dự” nhằm hoàn thành các dự án đi qua tỉnh, qua vùng, giúp phát triển kinh tế địa phương.
Nhưng rõ ràng, có những vướng mắc cần tháo gỡ.
Một báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Bình Định được báo chí trích dẫn cho biết, tổng nhu cầu vốn thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh là 7.806 tỷ đồng, tuy nhiên số vốn cơ quan này được cấp đến ngày 10/11 là 771,2 tỷ đồng, mới chỉ đạt 9,9% nhu cầu.
Mà việc giải phóng mặt bằng là liên quan đến việc tái định cư cho 10.744 hộ dân bị di dời. Thiếu vốn, thiếu mặt bằng, thiếu nhà thì rất khó để dân “an cư, lạc nghiệp”.
Viết đến đây, tác giả chợt nhớ lại việc xử lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi còn làm ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước qua một bài viết của nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc.
Một câu chuyện cũ của ông Sáu Dân
Khi xây dựng Thủy điện Hòa Bình đầu những năm 1980s, một số hộ dân ở phân tán trong vùng được tái định cư theo phương án “vén”, nghĩa là mức nước dâng cao nhất của Hồ Hoà Bình là +120 m thì di nhà dân đi theo sườn núi, cứ lên cao hơn mức +120m.
Di nhà như vậy chỉ dựa vào sức dân. Khi một nhà di thì hàng xóm đến giúp, dỡ mái ra và khiêng nhà lên cao hơn, rồi lợp lại.
Tuy nhiên, khi xong việc chặn dòng và xây đập, bắt đầu tích nước thì phát hiện các điểm hạn chế của phương án di “vén”. Khi nước ngập cao, những người dân này sống trên các đảo nhỏ, bị cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Cuộc sống rất là khốn đốn.
Lúc đó, có mô hình di dân rất tốt ở công trình thủy điện Trị An, và các cán bộ địa phương đề nghị áp dụng tiêu chuẩn di dân của Trị An cho Hoà Bình. Khổ một nỗi, các dự toán chi tiêu này không có trong kế hoạch.
Ông Phúc lúc đó là phó Vụ Công nghiệp nặng, chuyên phụ trách xây dựng cơ bản, là cán bộ trực tiếp dưới quyền của ông Sáu Dân đang là Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch nhà nước. Ông Sáu đồng tình ngay:
“Các anh cho tạm ứng tiền làm ngay theo đề xuất, thủ tục xây dựng cơ bản sẽ hoàn thiện sau. Chờ xong thủ tục thì còn lâu. Cứ theo định mức cho từng hộ dân như Trị An mà làm. Việc có lợi cho dân thì không ngại. Dân mình chịu hy sinh trong hai cuộc chiến nhiều rồi, dân khổ lắm, đừng bắt dân chịu khổ thêm nữa. Đây lại là vùng đồng bào dân tộc ít người, đời sống đang rất khốn khổ. Ở Trị An trước đây tôi đã chỉ đạo: Dân đi đến nơi ở mới phải đảm bảo tốt hơn nơi ở cũ cả về điều kiện sống và việc làm”.
Ông Phúc kể câu chuyện đó và cho biết, từ đó, việc di dời dân được thực hiện theo tinh thần “dân đến nơ ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”.
Một câu chuyện khác cũng rất ấn tượng liên quan đến việc làm đường dây 35kv kéo điện lên phục vụ những gia đình di dân từ Thủy điện Thác Bà đến định cư tại huyện Văn Yên, tỉnh Hoàng Liên Sơn. Thủy điện Thác Bà phát điện từ năm 1971, nhưng đến tận lúc ông Phúc về làm việc vào tháng 1/1988, dân gốc lòng hồ Thác Bà vẫn chưa có điện dùng.
Hồi đó để làm được đường dây 35 kv, ngoài chỉ tiêu tiền vốn còn phải có chỉ tiêu vật tư, từ máy biến thế, cáp nhôm, trụ điện, sứ cách điện,… rất là khó khăn, liên quan nhiều bộ.
Ông Phúc về báo cáo lại, thì ông Sáu Dân nói:
“Cho làm ngay, làm ngay, bổ sung vào kế hoạch 1988. Cứ làm rồi ghi kế hoạch sau. Việc này đáng lẽ phải làm lâu rồi. Dân hy sinh tất cả, bỏ hết nhà cửa ruộng vườn, chùa chiền, nhà thờ cho chúng ta làm điện. Hàng vạn dân di dời từ Yên Bình lên Văn Yên xa hơn 60, 70 km, đến nơi hoang vu hẻo lánh hơn. Làm xong điện thì lại không được hưởng. Các nơi khác có điện, người hy sinh tất cả để làm điện thì lại chưa có gì. Các anh cho làm ngay. Cuối năm nay phải có điện cho Văn Yên!”
Cuối năm 1988 đường dây 35 Kv từ Cổ Phúc lên Mậu A đóng điện. Dân Văn Yên có điện sau khoảng 25 năm từ bỏ quê hương đã ngập dưới lòng hồ thủy điện Thác Bà.
Dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung
Những câu chuyện này rất đáng để kể lại hôm nay, khi rất nhiều công trình lớn của đất nước đang được triển khai. Nếu chỉ chăm chăm căn cứ vào các kế hoạch, văn bản đã được duyệt và nếu thiếu những cán bộ dám nghĩ, dám làm thì không giải quyết được nhiều vấn đề gai góc, như lãnh đạo các tỉnh đã nêu trên.
Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung” hy vọng sẽ phát huy trên thực tế, khi Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, xử lý ngay những vướng mắc, khó khăn phát sinh, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. "Đã cam kết thì phải làm, đã làm thì phải có hiệu quả", Thủ tướng nói.
Tư Giang