Khi Khu công nghệ cao Hòa Lạc ra đời cách đây hai thập kỷ, người ta đã đặt mục tiêu dự án cần trở thành một thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh. Đó là mục tiêu khá tham vọng và tâm huyết cho mô hình kinh tế tri thức bắt đầu manh nha ở Việt Nam lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, trong suốt cả chặng đường dài sau đó, Khu công nghệ cao này chưa đáp ứng được mục tiêu trên vì rất nhiều lý do, đặc biệt là thiếu cơ chế và chính sách cho bản thân khu này và các doanh nghiệp hoạt động bên trong.
"Có thể nói, hiện nay khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc đã qua giai đoạn khó khăn nhất, tiến tới tương lai sẽ làm tốt…” Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói như vậy khi trả lời chất vấn tại Quốc hội cuối năm ngoái.
Khẳng định của Phó thủ tướng có hàm ý, khu công nghệ này đã gặp giai đoạn khó khăn kéo dài.
Cách đây nhiều năm, tổ chức JICA của Nhật Bản đã có cuộc khảo sát với doanh nghiệp Nhật Bản về mong muốn đầu tư của họ vào khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Trong bản khảo sát, hầu hết các công ty Nhật Bản đều mong muốn được hưởng những điều kiện ưu đãi như có các thủ tục đầu tư nhanh chóng, điều kiện an toàn và an ninh. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông, giá đất rẻ, nguồn cấp điện ổn định và mạng lưới viễn thông tốc độ cao.
Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo |
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng cần nguồn kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân có trình độ cao. Họ mong muốn có điều kiện sống an toàn và chất lượng tốt, và có nhà hàng.
Và đặc biệt, khu đó cần phải là nơi để tập trung các viện khoa học và công nghệ: đặc biệt là tập trung các ngành có liên quan, có các trường đại học trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và các viện nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Phải có những điều kiện như vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản mới quan tâm đến thành lập nhà máy trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Thật đáng tiếc, những mong muốn của các doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được.
Trong một cuộc làm việc đầu năm 2018, Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ kiêm Trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, khu công nghệ này không chỉ được điều chỉnh bởi Nghị định 99 về quy chế khu công nghệ cao mà còn bởi các luật đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường…
Bên cạnh đó, một số điểm tại các luật này chưa phù hợp với mô hình, tính chất của khu công nghệ cao; cơ chế chính sách ưu đãi áp dụng cho các nhà đầu tư chưa cụ thể, thiếu nhất quán, làm giảm tính minh bạch trong thực thi để thu hút đầu tư.
Trong khi đó, các nước trong khu vực đang thúc đầy hàng loạt các trung tâm tương tự nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo nhằm tiên phong trong cách mạng công nghiệp 4.0.
Trung Quốc hiện đang nâng cấp khu Zhongguancun ở Bắc Kinh với mục tiêu thành lập một loạt trung tâm đổi mới sáng tạo, chế tạo. Malaysia đã thành lập công viên công nghệ Kuala Lumpur. Singapore có khu công nghệ và đổi mới sáng tạo One North. Indonesia đưa vào hoạt động trung tâm đổi mới sáng tạo tại Yogyakarta.
Hiện nay, Bộ kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) theo cơ chế đặc thù nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Theo đó, NIC không dùng vốn ngân sách; có cơ chế đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn và được hoạt động theo cơ chế thị trường; linh hoạt, có thể tuyển dụng được nhân tài trong và ngoài nước, có thể nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân. Hội đồng cấp cao do Thủ tướng làm Chủ tịch danh dự; Hội đồng cấp cao hỗ trợ về định hướng chính sách và kêu gọi hỗ trợ. Hội đồng điều hành: có sự tham gia của các bộ ngành liên quan. CEO chuyên nghiệp, chất lượng cao, được tự do điều hành trong khung khổ điều lệ và hợp đồng lao động. Ngoài ra, có sự đóng góp về chuyên môn của mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước.
Theo tính toán, chi phí xây dựng NIC có thể cần khoảng 74 triệu USD cho cả 3 giai đoạn xây dựng, và cần khoảng 5-6 triệu USD mỗi năm trong giai đoạn vận hành ổn định. Mặc dù vậy, gọi vốn đầu tư vào xây dựng NIC không phải là câu chuyện khó khăn nhất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, rất nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều rất quan tâm đến dự án này, chẳng hạn, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã cam kết đầu tư khoảng 30 triệu USD cho việc xây dựng NIC.
Theo đề án này, NIC có 3 chức năng chủ yếu: Hỗ trợ, tư vấn chuyển giao và áp dụng công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc năm lĩnh vực nòng cốt; Tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển, cung cấp đầy đủ các loại dịch vụ cho doanh nhân khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam; Thí điểm, thử nghiệm các quy định, chính sách mới tạo ra những điều kiện có thể áp dụng nhân rộng sau này ở các trung tâm đổi mới sáng tạo khác trên khắp cả nước.
NIC được thành lập nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực tiếp nhận và áp dụng công nghệ, nhất là công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cho các doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo trên phạm vi quốc gia; góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Theo các nhà chuyên môn, khi cuộc cách mạng 4.0 diễn ra, thì những cách làm cũ, tri thức cũ, mô hình kinh doanh cũ, hạ tầng cũ không còn phù hợp với tình hình mới và cần phải có cách làm mới, tri thức mới, sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới.
Nhưng liệu mô hình mới của NIC có được sự ưu đãi vượt trội về chính sách, về cơ chế để trở nên cạnh tranh, thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp?
Liệu những vướng mắc, khó khăn mà Khu công nghệ cao Hòa Lạc đối mặt trong suốt 20 năm qua có được rút kinh nghiệm để giúp NIC thành công?
Lan Anh