Sau làn sóng mua hàng ồ ạt để phục vụ nhu cầu học tập, làm việc tại nhà do dịch Covid-19 gây ra, lô hàng PC toàn cầu dần chậm lại trong hai năm qua.
Thị trường PC châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm máy tính để bàn và laptop, máy trạm, ước tính giảm 7,6% trong năm nay sau khi giảm 11,6% vào năm 2022.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất đang dựa vào những sản phẩm AI tạo sinh, bao gồm ChatGPT của OpenAI và Ernie Bot của Baidu, để thúc đẩy người tiêu dùng nâng cấp các thiết bị tích hợp AI, đẩy mạnh nhu cầu trong một thị trường PC chậm chạp, theo IDC.
Tại hội nghị nhà phát triển đầu tiên của mình, OpenAI cho biết ChatGPT hiện có hơn 100 triệu người dùng hoạt động trên toàn cầu dù mới ra mắt một năm.
Trong khi đó, Ernie Bot tích lũy hơn 70 triệu người dùng ở Trung Quốc kể từ tháng 3, Wang Haifeng – Giám đốc công nghệ Baidu – tiết lộ tại Hội nghị Internet thế giới hôm 16/11.
Người dùng đã háo hức thử nghiệm thế hệ chatbot AI mới nhất, có khả năng xử lý các tác vụ như tóm tắt văn bản dài, soạn thảo email và báo cáo công việc, sao chép và dịch các bản ghi âm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, cùng các chức năng khác.
Các nhà sản xuất máy tính đang nỗ lực để tích hợp những khả năng đó vào các sản phẩm của họ. Trong một sự kiện tại Bắc Kinh mới đây, Phó Chủ tịch Lenovo Ablikim Ablimit tiết lộ mục tiêu biến “máy tính cá nhân” thành “máy tính cá nhân hóa” bằng công nghệ AI.
Laptop hỗ trợ AI có thể tạo báo cáo công việc "dựa trên việc học hỏi sở thích của bạn, các tài liệu lịch sử của bạn", Ablimit chia sẻ với khán giả tại sự kiện. Song, để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi nỗ lực phối hợp của toàn bộ lĩnh vực PC và AI, ông nói thêm.
Máy tính AI, được định nghĩa là các máy tính trang bị chip tích hợp AI, được dự báo sẽ chiếm 86% trong số ước tính 34 triệu máy tính xách tay xuất xưởng tại Trung Quốc vào năm 2027, theo IDC.
Bộ xử lý Ryzen Pro 7040 của Advanced Micro Devices (AMD) ra mắt vào đầu năm nay là một trong những bộ xử lý x86 đầu tiên trên thế giới tích hợp AI.
Các thương hiệu smartphone cũng đang cố gắng đưa chức năng AI vào thiết bị. Chẳng hạn, Oppo – nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ tư thế giới – “vô cùng lạc quan về tích hợp AI và mô hình ngôn ngữ lớn với smartphone trong tương lai”, theo Giám đốc Viện nghiên cứu Oppo Jason Liao. Hồi tháng 8, công ty giới thiệu mô hình ngôn ngữ lớn AndesGPT.
Vivo, thương hiệu “anh em” với Oppo, cũng cho biết sẽ thêm mô hình AI riêng vào hệ điều hành OriginOS 4.
(Theo SCMP)