Tại sự kiện, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết ông và các thành viên trong gia đình đã đóng góp để xây dựng bảo tàng với quy mô tối thiểu, không thu tiền bên ngoài hay xin kinh phí từ Nhà nước.
Gia đình cũng không có ý định tôn vinh thêm về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mà chỉ kỳ vọng bảo tàng sẽ đóng góp nguồn tư liệu quý về lịch sử của quân đội và đất nước.
Đại tá Phạm Văn Phi, Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho biết, hệ thống trưng bày bao gồm 8 chủ đề chính: Quê hương - Cách mạng miền Trung; Việt Bắc; Xây dựng Quân đội; Xây dựng hòa bình ở miền Bắc; Cách mạng miền Nam; Ngày 6/7 (ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời - PV); Tấm lòng những người ở lại; Gia đình - Hành trình tiếp nối. Bên cạnh đó, còn có các tiểu đề về Bình Trị Thiên khói lửa, nông nghiệp, đối ngoại, văn hóa văn nghệ, thể thao, "ông tướng du kích"...
Hệ thống trưng bày có 105 hiện vật, 90 tài liệu, 214 hình ảnh và trên 100 đầu sách do Đại tướng viết cùng các tác phẩm của nhiều tác giả; hệ thống phim tài liệu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Cũng theo Đại tá Phạm Văn Phi, Bảo tàng đang lưu giữ hơn 300 bức ảnh, 220 hiện vật, hơn 150 tài liệu giấy, 23 pho tượng đồng gắn với những dấu mốc quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng.
Bảo tàng cũng phục dựng hai không gian là phòng làm việc trước đây của Đại tướng ở căn nhà 34 Lý Nam Đế và lán làm việc tại Trung ương Cục miền Nam.
Đặc biệt, tại bảo tàng còn có nhiều hiện vật mới lần đầu tiên được công bố, điển hình như công văn của các nước gửi cho Đại tướng.
"Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trưng bày rất nhiều hiện vật liên quan đến lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Đây là những bài học quý báu để thế hệ trẻ hôm nay có thể vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới", Giám đốc Bảo tàng nhấn mạnh.
Sau khi có quyết định thành lập, trong năm 2021, gia đình đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổ chức thi công tòa nhà và mời các chuyên gia lĩnh vực bảo tàng, lịch sử, mỹ thuật tư vấn lập không gian trưng bày, bổ sung tư liệu, hiện vật.
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được xây phỏng theo kiến trúc ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế (Hà Nội), nơi ông và gia đình đã ở trong giai đoạn 1955 đến 1986. Căn nhà có 3 tầng nổi và 1 tầng hầm.
Dự kiến, bảo tàng sẽ mở cửa đón khách vào ngày 6/7 nhân dịp tưởng niệm 56 năm ngày Đại tướng từ trần. Tới ngày 1/1/2024, lễ khánh thành sẽ được tổ chức chính thức nhân dịp 110 năm ngày sinh Đại tướng.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế).
Ông tham gia cách mạng từ năm 1934 và được phong hàm Đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam vào năm 1959.
Từ năm 1965 đến năm 1967, ông được phân công vào Nam, giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam.
Năm 1967, thời điểm vào Nam để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời.
Ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Cúc và có 4 người con. Trong đó, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.