Sau bài viết “850 triệu đồng gửi tiết kiệm bỗng trở thành tiền nộp hợp đồng bảo hiểm”, nhiều bạn đọc đã tìm tôi để kể thêm câu chuyện của họ.
Khách hàng uất ức
Gần đây, tôi nhận được điện thoại của một nữ nhân viên phòng giao dịch của một công ty viễn thông đóng tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Gặp tôi, là một phụ nữ trung niên, trông thất thần. Chị nói, chị có 40 triệu đồng gửi tiết kiệm tại chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần ở phố Phùng Hưng, Hà Đông. Đến cuối tháng 4/2022, khi sổ tiết kiệm hết hạn, chị ra đó tất toán và được nhân viên ngân hàng tư vấn chuyển sang gói sản phẩm đầu tư có lãi suất 8,9%/năm, cao hơn lãi suất tiết kiệm chị đang gửi. Tin tưởng vào uy tín của ngân hàng này, nên chị đồng ý.
Đến cuối tháng 12 vừa rồi, chị mới phát hiện ra đây là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Với gói này, mỗi năm chị phải đóng 30 triệu đồng và kéo dài cả chục năm mới được rút gốc và lãi. Chị kể, chị chưa lập gia đình nhưng nhân viên ngân hàng, tự ý khai là chị đã có gia đình và còn khai thêm, thu nhập của chị là 240 triệu đồng/năm. Đến giờ, nhân viên ngân hàng không làm việc với chị nữa và yêu cầu chị sang công ty bảo hiểm giải quyết những thắc mắc. “Tôi bị lừa rồi. Tôi chỉ có 40 triệu đồng để phòng thân thôi và không hề biết bảo hiểm là gì đâu mà mua”, chị nói.
Lại có một câu chuyện khác của một khách hàng nữ 55 tuổi, tiết kiệm được 1 tỷ đồng, mang đến gửi ngân hàng. Bà nói rõ với nhân viên ngân hàng là cả đời mới tiết kiệm được số tiền này, để dành cho con đi học.
Vì hoàn toàn tin tưởng ngân hàng, nên khi nhân viên tư vấn nói có chương trình tiết kiệm đặc biệt, hưởng lãi suất cao, muốn rút lúc nào cũng được, bà liền nghe theo.
Đến lúc cần tiền chi tiêu, bà ra ngân hàng đề nghị rút, nhân viên ngân hàng trả lời ráo hoảnh, đây là hợp đồng bảo hiểm, bà sang công ty bảo hiểm mà đòi tiền. Sang công ty bảo hiểm, được nhân viên giải thích rõ bà mới biết rằng, với 400 triệu đồng mua bảo hiểm, bà phải đóng thêm 5 năm nữa, mỗi năm 400 triệu đồng. Nếu không may tử vong sẽ được chi trả khoảng 2 tỷ đồng. Còn số tiền 600 triệu đầu tư thêm phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của công ty bảo hiểm. Lợi nhuận cao sẽ trả lãi cao, nếu thua lỗ thì trừ vào tiền đầu tư. Với khoản 400 triệu đồng đóng mỗi năm trong 5 năm nữa, bà không biết xoay xở đâu ra.
Những lời tư vấn bọc đường
Trong suốt năm qua, tôi đã nghe nhiều chuyện tương tự. Họ đều được “tư vấn” gói tiết kiệm có lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng đang gửi. Vì tin tưởng nhân viên ngân hàng và thiếu hiểu biết, họ đã đồng ý ký hợp đồng mà không biết đó là bảo hiểm nhân thọ.
Trong nhiều trường hợp, nhân viên ngân hàng đã tự ý ghi vào hợp đồng những thông tin không đúng về tình trạng bệnh tật, hôn nhân, lao động,… của khách hàng mà không tham khảo họ.
Trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, nếu không may khách hàng tử vong thì sẽ được hưởng một khoản bồi thường, tùy theo số tiền mua hàng năm và độ tuổi. Tiền đóng nhiều thì được hưởng nhiều, nhưng tuổi càng cao thì được hưởng càng ít.
Còn với khoản đầu tư sẽ phụ thuộc vào việc đầu tư kinh doanh của công ty bảo hiểm, có lợi nhuận cao sẽ trả lãi cao, lỗ thì trừ vào vốn đầu tư. Khoản này, có công ty bảo hiểm cho rút ngay cả gốc lẫn lãi; nhưng có công ty quy định 10 năm sau mới được rút. Nếu rút sớm sẽ bị tính phí cao và số tiền thực nhận về rất thấp. Bản chất chỉ đơn giản là như vậy.
Đáng chú ý, với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, theo quy định sẽ có 21 ngày cân nhắc kể từ khi ký. Khách hàng nếu không đồng ý có thể hủy và được trả lại toàn bộ số tiền đã mua bảo hiêm và đầu tư thêm. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng thường không giao ngay cho khách hợp đồng mà giữ lại, chờ qua 21 ngày mới giao, thời gian để cân nhắc hết khiến khách hàng không thể hủy được.
Gần đây, nhiều ngân hàng thương mại đã hợp tác với các công ty bảo hiểm để bán bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng. Với hàng chục nghìn tỷ đồng doanh thu, họ nhận được hoa hồng, phí trả trước từ hàng trăm cho đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Lợi nhuận từ việc bán bảo hiểm là nguồn thu nhập rất lớn của ngân hàng.
Cùng với đó, việc ngân hàng ép hoặc lừa khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ cũng đang trở thành một “vấn nạn” nhức nhối. Các nhân viên phòng giao dịch bị giao chỉ tiêu đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi giá. Khi tranh chấp xảy ra thì ngân hàng tìm cách che đậy, thậm chí phủi tay. Vấn nạn này đặt ra câu hỏi lớn về đạo đức kinh doanh của không ít ngân hàng hiện nay.
Cần hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch
Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng không được ép khách vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, hiện tượng nhân viên ngân hàng tư vấn không trung thực, không đầy đủ, khiến nhiều khách hàng bị mắc bẫy và biến tiền gửi tiết kiệm của họ thành hợp đồng mua bảo hiểm thì chưa có sự ra tay quyết liệt nào.
Đến thời điểm này, Bộ Tài đang soạn thảo thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm. Trong đó có đề xuất toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm của nhân viên tổ chức tín dụng phải được ghi âm và lưu lại ít nhất 5 năm và thêm nhiều quy định khác theo hướng làm rõ trách nhiệm của ngân hàng, của công ty bảo hiểm,…
Việc đưa ra quy định để khắc phục các vấn đề của thị trường là cần thiết. Tuy nhiên, những nội dung của quy định trên chưa thực sự rõ ràng và rất khó để áp dụng trên thực tế.
Ví dụ, quy định về việc phải ghi âm toàn bộ nội dung tư vấn và lưu trữ trong thời hạn ít nhất 5 năm là không thể thực hiện được hay có chi phí quá đắt đỏ. Các doanh nghiệp khi tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua tin nhắn, email sẽ phải thực hiện ghi âm như thế nào. Việc doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung tư vấn, trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư, sẽ được thực hiện theo hình thức nào (gặp trực tiếp, gọi điện, email, hay tin nhắn…); các nội dung kiểm tra là gì (các câu hỏi nào); việc kiểm tra này có cần lưu lại biên bản, hồ sơ hay ghi âm không?
Việc những người gửi tiền tiết kiệm ngân hàng tố bị lừa trở thành nhà đầu tư bảo hiểm là có thật, đang gây nhức nhối. Song, vì điều đó mà có những quy định kỹ thuật thắt chặt dịch vụ này cũng không nên.
Trần Thủy