Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết các bác sĩ đã điều trị cho một nữ bệnh nhân bị giun rồng.
Nữ bệnh nhân (40 tuổi, quê ở Thanh Hoá) phát hiện trên ngực, cánh tay, chân xuất hiện các ổ áp-xe nhỏ, mềm mềm như mụn. Từ ổ mụn xuất hiện các sợi trắng dài.
Các bác sĩ rạch ổ áp-xe và kéo ra được một con giun rồng dài gần 1m, màu trắng. Đặc biệt, từ các ổ áp-xe khác trên người, bác sĩ kéo ra được 6 con giun rồng.
Bác sĩ Dũng cho biết giun rồng là căn bệnh do loài giun tròn (có tên khoa học là Dracunculus medinensis) ký sinh ở trong người. Mỗi năm trên thế giới ghi nhận vài ca và chủ yếu ở châu Phi do người dân có thói quen vệ sinh kém, uống nước sông suối. Tại Việt Nam, từ năm 2019 tới nay, cả nước ghi nhận khoảng 15 ca nhiễm giun rồng.
Đường lây của giun rồng từ các ấu trùng. Chúng trú ngụ ở những loài động vật giáp xác, ếch nhái. Nếu người dân ăn phải thực phẩm này chưa nấu chín, ấu trùng sẽ xâm nhập vào cơ thể.
Ban đầu, người bệnh không có triệu chứng. Một năm sau, giun rồng phát triển ở phần mô dưới da. Bệnh nhân có triệu chứng sốt, chóng mặt, mẩn đỏ, tiêu chảy, ngứa tại vùng giun cư trú.
Giun rồng có xu hướng đục lỗ chui ra ngoài. Trên da người bệnh sẽ thấy có các ổ áp-xe, đầu giun chui ra ngoài. Thời gian giun tự chui ra rất lâu từ vài ngày tới vài tuần thậm chí lâu hơn.
Bác sĩ Dũng cho biết quá trình gắp giun đảm bảo không bị đứt để điều trị dứt điểm. Trung bình con giun rồng dài khoảng 0,7-1,2m
Theo bác sĩ Dũng, 15 bệnh nhân giun rồng ghi nhận trước đó chỉ có 1 con giun nhưng nữ bệnh nhân này bác sĩ gắp được 6 con.
Để phòng bệnh, người dân cần tuân thủ ăn chín uống sôi. Đặc biệt, ở các vùng nông thôn người dân không ăn các thực phẩm (ếch, cá, tôm, cua…) chưa được nấu chín.
Thiếu niên 16 tuổi mất ngay trong ngày nhận chẩn đoán ung thư máu
Ung thư tuyến giáp có di truyền không?