Trao đổi với VietNamNet, Trịnh Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, Trưởng Ban Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM - cho biết ý tưởng tu sửa Chùa Nghệ sĩ xuất phát từ những lần chị và Ban Ái hữu thăm nơi này.
Theo Trịnh Kim Chi, Chùa Nghệ sĩ hiện xuống cấp nhiều. Do bị thấm nước, tường bị mục, một vài cây cột bị bung nên chị quyết định cho sơn sửa lại tường và cột khu vực Chánh điện, các chùa nhỏ ở sân sau, cổng chào, tường rào, lát gạch đường đi, cắt tỉa cây xanh...
"Chúng tôi rất lưu tâm vấn đề lưu giữ hồn cốt của Chùa Nghệ sĩ. Việc tu sửa nhằm nâng cấp, cải tạo những hạng mục đã xuống cấp cũng như sơn mới để chùa khang trang hơn. Nhưng tinh thần phải giữ nguyên diện mạo của chùa", Trịnh Kim Chi cho hay.
Ngoài ra, Trịnh Kim Chi cho làm thêm một nhà quàn trong Chùa Nghệ sĩ. Sẵn có một gian phòng trống trong chùa, chị cho tu sửa, thiết kế gian phòng này thành nhà quàn. Trịnh Kim Chi muốn chùa có nơi tổ chức đám ma miễn phí cho những nghệ sĩ nghèo mà gia đình không đủ khả năng thuê nhà quàn.
Chùa Nghệ sĩ đang được tu sửa.
Kinh phí tu sửa Chùa Nghệ sĩ ước tính ban đầu khoảng 200 triệu đồng, phát sinh khá nhiều trong quá trình thực hiện. Nguồn kinh phí gồm một phần từ Ban Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM và một phần do các nhà hảo tâm đóng góp qua vận động của Trịnh Kim Chi.
Việc tu sửa Chùa Nghệ sĩ đang diễn ra suôn sẻ, không gặp vấn đề gì. Theo NSƯT, quá trình tu sửa có thể mất vài tuần.
Hiện tại, Trịnh Kim Chi đang bận rộn lên kế hoạch, thực hiện những hoạt động thiện nguyện. Sắp tới, chị sẽ triển khai việc trao quà Tết cho 200 nghệ sĩ tại Khu Dưỡng lão nghệ sĩ (Quận 8, TP.HCM).
Chùa Nghệ sĩ - còn có tên Nhựt Quang Tự hoặc Phật Quang Tự - là địa danh nổi tiếng tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Năm 1958, nghệ sĩ Phùng Há được Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế tài trợ mua đất làm nơi yên nghỉ cho nghệ sĩ cải lương.
Sau khi bà mua mảnh đất 6.080 m2, gần 10 năm chùa chưa được xây vì thiếu kinh phí. Năm 1969, ông bầu Năm Công xin nghệ sĩ Phùng Há cho dựng am để tu hành. Năm 1970, sau khi am hoàn thành, ông quyết định bán vì không còn tiền trả nợ.
Bầu Xuân của đoàn Dạ Lý Hương đã mua lại am với giá gần 100 cây vàng, sau đó xây thành chùa, dành một phần diện tích làm nơi mai táng của nhiều nghệ sĩ và người thân.
Hơn nửa thế kỷ, đây là nơi an nghỉ của nhiều tên tuổi nổi tiếng như cặp soạn giả cải lương Hà Triều - Hoa Phượng, Thu An, nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Út Trà Ôn, Thanh Nga, Hoàng Giang, Trường Xuân, Bảy Cao, Minh Phụng, Lương Tuấn, Lê Vũ Cầu, Lê Công Tuấn Anh...
Năm 2020, theo nguồn tin của VietNamNet, Chùa Nghệ sĩ hiện có 350 phần mộ, 628 hũ cốt tại Nhà cốt 1 và 260 hũ tại Nhà cốt 2.
Tháng 6 vừa qua, Hội Sân khấu TP.HCM tiến hành gỡ biển "Chùa Nghệ sĩ", thay bằng tấm biển mới với dòng chữ "Nghĩa trang Nghệ sĩ". Quyết định được đưa ra sau khi Hội họp ban chấp hành với lý do đơn vị này "không có chức năng quản lý chùa"
Vụ việc đã gây dư luận không tốt trong xã hội cũng như ảnh hưởng tới truyền thống nghĩa tình, nhân văn tốt đẹp của Ban Ái hữu nghệ sĩ mà tiền thân là Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế.
Sau đó, Hội Sân khấu TP.HCM quyết định phục hồi nguyên trạng ban đầu. Ban Ái hữu nghệ sĩ TP.HCM cũng nhận khuyết điểm hành động vội vàng do mong muốn chấn chỉnh lại hoạt động của Chùa nghệ sĩ dẫn tới vụ việc trên.