Thông tin về tình hình biến động giá cả thị trường, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Nguyễn Nguyên Phương - cho hay, đến hết tháng 3, các DN sẽ hết hạn cam kết giữ giá bình ổn. Do vậy, các DN sẽ điều chỉnh giá vào đầu tháng 4.

Tháng 4 cũng là thời điểm TP.HCM triển khai chương trình bình ổn thị trường mới cho năm 2022. Sở Tài chính chịu trách nhiệm trong việc điều chỉnh giá. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước tổ chức cho DN đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường, đăng ký mặt hàng và đăng ký giá mới.

Ghi nhận từ Sở Tài chính TP, các DN chủ yếu đề xuất tăng giá các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm. Cụ thể, thịt gia súc tăng 2-3%; thịt gia cầm tăng 6-12%; trứng gia cầm tăng 6-8%.

{keywords}
Doanh nghiệp tại TP.HCM đã đề xuất tăng giá trứng, thịt (ảnh: Trần Chung)

Sở Tài chính ngày hôm nay (29/3) cùng các Sở, ngành sẽ họp với DN để thống nhất mức giá bình ổn. Theo kế hoạch, cơ chế điều chỉnh giá của DN tham gia bình ổn thị trường được công bố vào đầu tháng 4.

Đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), thông tin, giá nguyên liệu sản xuất và phí dịch vụ logistics đang tăng cao. Đây là hai vấn đề chính tác động đến việc nhận đơn hàng xuất khẩu mới của DN.

Thực tế, giá sản phẩm xuất khẩu qua đường hàng không xuất sang các thị trường như EU, Mỹ,... trung bình đạt 11,5 USD/kg. Trong đó, nếu giá trái cây là 2,5-3 USD/kg, thì mất tới 8,5-9 USD là chi phí vận chuyển. Như vậy, chi phí vận chuyển chiếm tới 70-80% giá thành sản phẩm . Mỗi khi chi phí vận chuyển tăng, giá trái cây xuất khẩu cũng tăng theo, cơ hội chinh phục thị trường xuất khẩu khó hơn vì giảm tính cạnh tranh. 

Chi phí vận chuyển qua đường biển và đường bộ cũng đắt đỏ không kém. Đáng nói, chi phí này gần đây tăng rất cao do tác động của giá xăng. Nếu như trước kia, mỗi container hàng trọng lượng 12-15 tấn có tổng chi phí vận chuyển 2.400-4.000 USD thì nay đã lên đến 11.000-2.000 USD, tương đương tăng gấp 3 lần.

Cũng theo bà Chi, không chỉ tăng cước, phí mà việc đặt container rỗng và chỗ trên tàu cũng rất khó khăn. Có thời điểm, DN muốn đưa hàng lên tàu phải đặt chỗ trước tới vài tháng. Bên cạnh vấn đề vận tải, giá nguyên phụ liệu - kể cả trong nước và nhập khẩu - đều tăng từ 15-40% so với trước dịch. Các nguyên liệu nhập khẩu khác để chế biến hay bao bì đóng gói cũng tăng hơn 30% so với trước.

Giá thành sản xuất cao, thời gian vận chuyển kéo dài khiến cả DN xuất khẩu lẫn đối tác phân phối ở nước ngoài rơi vào thế bị động do thời hạn sử dụng sản phẩm thực phẩm bị rút ngắn, giá sản phẩm bị đội lên cao.

“Chi phí đang ăn mòn lợi nhuận nhưng rất khó điều chỉnh giá bán tăng tương ứng do hầu hết đơn hàng đã ký từ trước, DN vẫn phải duy trì tính cạnh tranh để giữ khách hàng và tạo việc làm cho người lao động”, Chủ tịch FFA nói.

Trần Chung

Bão giá nổi khắp nơi, thà ngồi im không làm gì còn hơn bị quật tả tơi

Bão giá nổi khắp nơi, thà ngồi im không làm gì còn hơn bị quật tả tơi

Sức nóng của việc tăng giá hàng hóa, nguyên liệu đang hiển hiện rõ rệt, khác biệt đáng kể với những con số thống kê khô khan được công bố hàng tháng. Hành vi tiêu dùng cũng đang thay đổi từng ngày trong cơn bão giá.