Ngày 21/9, UBND TP.HCM đã có công văn khẩn gửi chỉ đạo một số nội dung liên quan công tác xét nghiệm cho các shipper.

Theo đó, xét nghiệm cho các shipper được tập trung thực hiện tại các trạm y tế lưu động trên địa bàn thành phố chỉ thực hiện đến hết ngày 21/9.

Kể từ 22/9 đến hết 23/9, các doanh nghiệp và shipper tiến hành tập huấn công tác xét nghiệm và cập nhật thông tin xét nghiệm trên các ứng dụng của doanh nghiệp hoặc sử dụng ứng dụng do Sở TT&TT hướng dẫn.

Bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên sẽ do Sở Y tế cung cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công Thương theo nguyên tắc mẫu gộp ba người, 3 ngày/1lần. Trong thời gian này các shipper có thể sử dụng kết quả xét nghiệm còn giá trị.

{keywords}
Shipper tập trung chờ xét nghiệm. Ảnh: Thanhnien

Từ 24 đến hết 30/9, các doanh nghiệp quản lý shipper chịu trách nhiệm tổ chức xét nghiệm và cập nhật kết quả vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố theo hướng dẫn của Sở TT&TT, để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Trao đổi với ICTnews về vấn đề này, đại diện Gojek Việt Nam nhận định, các doanh nghiệp gọi xe công nghệ không có chuyên môn về y tế cũng như nguồn lực cần thiết để thực hiện việc test nhanh Covid-19. Do đó, có thể thực hiện không đúng kỹ thuật test mẫu gộp ở quy mô lớn, dễ dẫn đến lãng phí dụng cụ test, và kết quả không chính xác. Như vậy sẽ có khả năng để sót F0 hoặc xác định nhầm F0, tăng khả năng lây nhiễm chéo, khó kiểm soát mức độ lây lan của dịch bệnh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho rằng không có đủ nguồn lực để tổ chức nhiều điểm xét nghiệm. “Gojek sẽ phải xét nghiệm cho hàng chục ngàn shipper, các shipper sẽ phải di chuyển xa hơn, chờ đợi lâu hơn để được lực lượng không chuyên tiến hành lấy mẫu và đọc kết quả, gây lãng phí thời gian và nguồn lực xã hội”.

Đại diện ứng dụng này cũng cho rằng, khi hiệu quả xét nghiệm thấp, để đảm bảo tính tuân thủ, nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ phải tự cắt giảm số lượng shipper được tham gia lưu thông. Trong bối cảnh nhu cầu của người dân rất cao còn nguồn cung tài xế rất thấp, hàng hoá khó đến được tay người dân, chuỗi cung ứng hàng hoá bị gián đoạn, nhu cầu của người dân không được đáp ứng. Đồng thời, sự bất cân đối giữa cung và cầu sẽ dẫn đến giá cả dịch vụ tăng cao theo quy luật của thị trường, do đó ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Trong khi đó, đại diện của một số ứng dụng khác cũng cho biết đều đang lên kế hoạch triển khai xét nghiệm cho shipper của mình, để kịp thời duy trì các dịch vụ. Tuy nhiên, hầu hết đều nhận định việc doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm cho các shipper đứng trước nhiều thách thức.

Để giải quyết được vấn đều nêu trên, đại diện Gojek đề xuất, các cơ quan chức năng cân nhắc việc giãn tần suất test nhanh Covid-19 bởi tất cả các tài xế được phép hoạt động đều đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, một số tài xế đã tiêm đủ 2 mũi. Vì vậy, quy định cần xét nghiệm đại trà tất cả các tài xế theo tần suất 2-3 ngày/lần có thể không còn phù hợp, khi cân nhắc trong tương quan với các ưu và nhược điểm của việc cho phép shipper lưu thông trên đường.

Từ 19/9, có khoảng 92.000 shipper của 34 doanh nghiệp được phép hoạt động và có thể xét nghiệm ở 400 trạm y tế lưu động từ 6h-21h. Tuy nhiên, trên thực tế, số tài xế thực sự hoạt động những ngày vừa qua còn có thể thấp hơn nhiều (theo con số thống kê không chính thức của Sở Công thương, con số này là khoảng 50%). Do đó, năng lực xét nghiệm của các trạm y tế hoàn toàn đáp ứng được con số này nếu được điều phối tốt.

Để tránh việc quá tải như trong thời gian vừa qua, Gojek đề xuất, các doanh nghiệp gọi xe công nghệ có thể hỗ trợ việc điều phối, chia lịch để các đối tác tài xế thực hiện test theo khung giờ tại các điểm chỉ định sau khi tính toán về mặt vận hành, để không bị quá tải lượng shipper tại các trạm.

Theo các công văn hiện hành, các shipper đang được xét nghiệm nhanh miễn phí cho đến hết ngày 30/9 để đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch. Sau thời gian này, doanh nghiệp cũng kì vọng chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ các chi phí xét nghiệm nhanh này. "Đây sẽ là một gánh nặng chi phí lớn nếu như doanh nghiệp phải tự trang trải, trong khi hầu hết các hoạt động của chúng tôi đều gần như ngưng trệ trong thời gian qua để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về phòng dịch, chưa kể rất nhiều chi phí phát sinh do bối cảnh kinh tế-xã hội thay đổi trong đại dịch", đại diện Gojek cho biết.

Một số ý kiến nhận định, việc doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm nhanh cho shipper cũng có thể khiến giá cả dịch vụ giao nhận hàng, đi chợ hộ có thể tăng thêm trong thời gian tới do sự chênh lệch cung cầu. 

Trong khi các ứng dụng khác đang chuẩn bị phương án triển khai, tối 21/9, ứng dụng Be cho biết sẽ chủ động xét nghiệm nhanh Covid-19 cho shipper từ 24/9 theo mô hình ứng dụng công nghệ xuyên suốt. Đại diện ứng dụng này cho biết sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương và đối tác tổ chức địa điểm và đội ngũ chuyên viên xét nghiệm riêng và trả kết quả trong vòng 30 phút.

Duy Vũ

Hà Nội cho phép shipper công nghệ hoạt động từ 9h - 22h hàng ngày

Hà Nội cho phép shipper công nghệ hoạt động từ 9h - 22h hàng ngày

Các shipper công nghệ được phép hoạt động tử 21/9 theo nguyên tắc không quá 50% số lượng phương tiện. Các shipper phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin và khai báo y tế hàng ngày.