Ở góc đường Điện Biên Phủ - Ung Văn Khiêm (TP.HCM) có một gara của ông chủ trẻ 34 tuổi dáng dấp phong trần. Anh tên Phùng Ngọc Phong, từng là đứa trẻ bụi đời chính hiệu.



Từ dưới đáy xã hội, anh quyết chí học nghề và nay trở thành người thợ - ông chủ có uy tín trong làng làm ôtô.

Học nghề từ tủi cực


9 tuổi, Phong đi bụi, chạy trốn mái ấm đã lạnh. Cha mẹ chia tay, mái nhà chỉ còn chỗ cho đòn roi và bỏ mặc, không có một góc ấm áp để anh muốn quay về. “Lúc ấy trẻ con đi bụi nhiều lắm”, anh nhớ lại. 12 tuổi, Phong thành danh “Phong thổ địa” ở khu vực Cầu Muối, nay là Cầu Ông Lãnh, nối quận 1 với quận 4, TP.HCM.

Hồi đó anh đánh nhau như cơm bữa, cứ hai ba ngày là có một trận, vì giành địa bàn, giành bạn gái, giành một chân để đứng giữa cuộc đời... Anh cũng trở nên liều, bợm như bất kỳ ai bị đẩy vào giang hồ và muốn sống. “Chủ yếu là liều thôi, ăn thua là có gan” - anh cười.

Anh cũng từng vào mái ấm, nhà mở, rồi cuồng chân, túng cẳng lại trốn ra với đời. Anh trở lại làm tay sai vặt trong các vụ cướp giật, ăn cắp, trấn lột... 15 tuổi, Phong bị bắt vào trường giáo dưỡng. Kiểu luật rừng trong trường đưa Phong lên làm đại ca của 60 “thằng” bặm trợn. “Nghĩ mình còn gì để mất đâu nên có gì đâu mà phải sợ, mà chết cũng đâu có dễ dàng gì”, anh giải thích cái liều mạng của mình.

Ra khỏi trường, anh lang thang làm thuê làm mướn quyết tâm sống một cuộc đời khác đàng hoàng hơn. Bị người ta chửi, khinh rẻ đến uất ức, nhưng anh cố chịu vì chẳng muốn sống cùng nắm đấm nữa. “Đi bụi còn đánh lại được, chứ đi làm rồi sao đánh vậy được”, anh nói. Lần đầu tiên thấy tủi cực với cái chẳng có gì của mình, anh quyết tâm học một cái nghề.

18 tuổi, Phong đi học làm thợ sửa ôtô từ sự hỗ trợ của một dự án chính phủ giúp đỡ thanh thiếu niên lang thang, cơ nhỡ. Dự án hỗ trợ 50% học phí, anh làm thêm ban đêm trang trải khoản tiền còn lại và trang trải cuộc sống.

Ra riêng, thành ông chủ

Anh Phùng Ngọc Phong (giữa) hướng dẫn thợ tại gara ôtô của mình trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM

Lần đầu tiên mở cốp ôtô, Phong hết hồn thấy nhằng nhịt máy móc. Nhưng “người ta làm được thì mình làm được”, anh quyết tâm. Giấc mơ của Phong khi đặt bút đăng ký học nghề sửa ôtô là trở thành một người thợ.

Một năm rưỡi không ngừng học hỏi, mày mò, Phong trở thành thợ thật. “Lúc ấy mê ôtô lắm, thấy tạp chí, báo, sách gì về ôtô cũng nghiền ngẫm đọc. Đọc xong lại đem ra đối chiếu với xe trong xưởng. Cũng thường ở lại sau giờ làm để tận dụng thời gian nghiên cứu thêm. Học nhiều và hỏi nhiều từ các anh khác”, anh nói ngắn gọn về cách anh đã nỗ lực với nghề.

Ra trường, anh làm không công ba năm cho một gara sửa xe để trau dồi tay nghề, quyết tâm trở thành thợ giỏi. “Lần đầu tiên cầm đồng tiền lương có mấy trăm ngàn đồng, mừng muốn khóc, hiểu rằng vậy là mình đã là thợ rồi, không còn là thằng sai vặt dễ bị chửi nữa”, anh cười.

Năm 2002, 24 tuổi, Phong vào làm thợ cho hãng bảo trì xe Mitsubishi. Ba năm rưỡi, anh học được nhiều hơn về kỹ thuật sửa xe, gầy dựng được chỗ đứng cho mình trong lòng khách hàng. “Có khách cứ đến là đề nghị tôi sửa xe, không có tôi họ đem đến tận nhà hoặc quay lại sau chứ nhất quyết không để người khác sửa” - anh tự hào.

Từ Hãng Mitsubishi, anh hun đúc ước mong mở một gara sửa xe cho riêng mình. Năm 2006, ở tuổi 28, anh mở gara từ số tiền tiết kiệm 6 triệu đồng. “Tôi hùn tiền với ba người bạn, lại nhận được sự giúp đỡ của một người quen, vốn khởi nghiệp lúc ấy khoảng 120 triệu đồng”, anh cho biết. Anh tự tin với tay nghề, tự tin với mối quen biết từ các khách hàng, tự tin vì “nếu thua lỗ thì nhiều lắm chỉ mất khoản tiền dành dụm, cái nghề vẫn còn lại với mình”. Khách đến không chỉ được anh sửa xe mà còn được anh nhắc nhở, tư vấn về chế độ bảo trì, giữ gìn xe.

Sáu năm mở xưởng, có năm dư vài trăm triệu, có năm cũng chỉ đủ xoay xở, nhưng hiện nay trên góc đường Điện Biên Phủ - Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh), gara của Phong luôn có 15 thợ, bình quân mỗi tháng làm 100 ôtô, chủ thợ đỡ đần nhau và say sưa với nghề.

"Đừng nghĩ cao siêu quá, nghĩ cái gì trong tầm tay mình thôi, như muốn thành thợ giỏi thì đầu tiên phải là thợ cái đã. Phải làm được những chuyện trong vị trí của mình, rồi rèn luyện từng bậc để mơ ước về những thứ cao hơn".

 

Phùng Ngọc Phong

(Theo Tuổi trẻ)