Từ trường lên đại học: Cần thực chất thay vì chỉ đổi tên gọi
Tháng 10/2023 vừa qua, ĐH Kinh tế TP.HCM vừa chuyển từ trường đại học thành đại học. Trước đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã chính thức chuyển lên thành ĐH Bách khoa Hà Nội.
Bên cạnh đó, một số trường ĐH khác cũng đang trong lộ trình chuyển đổi mô hình để trở thành đại học như Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Y Hà Nội.
Điều này từng khiến dư luận lo ngại về một “cuộc đua” lên đại học. Ủng hộ xu hướng này để nâng cao năng lực cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách giữa giáo dục Việt Nam với thế giới, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần làm thực chất thay vì “lên đại học” chỉ là thay đổi tên gọi, tạo danh tiếng.
Trao đổi với VietNamNet, TS Lê Viết Khuyến (nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT; hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho hay, khi các trường chuyển thành đại học đa lĩnh vực, điều được kỳ vọng nhất là bộ máy tổ chức sẽ gọn nhẹ, linh hoạt hơn, hoạt động hiệu quả hơn; ngân sách được đầu tư tập trung; nâng cao chất lượng đào tạo, giúp trường dễ mở ra các chương trình đào tạo mang tính chất liên ngành, sinh viên được tự do lựa chọn các môn học…Với cấu trúc đa lĩnh vực, đại học sẽ dễ dàng giữ ổn định quy mô đào tạo.
Ông Khuyến cho rằng, đây là chính sách đúng đắn, là xu hướng tất yếu và dự báo thời gian tới sẽ còn nhiều trường đại học top đầu đi theo mô hình này. Tuy nhiên, khi chuyển đổi từ trường đại học lên đại học, cần xem xét điều kiện chuyển và kiểm soát chất lượng các cơ sở giáo dục sau khi chuyển đổi, tránh việc chạy theo phong trào, háo danh.
Ông Khuyến cho rằng, cần tránh việc trường đại học trở thành đại học theo kiểu “chín ép”.
“Khi chuyển đổi mô hình, những ngành vốn dĩ là ngành truyền thống thì không sao. Nhưng những ngành không phải truyền thống nếu không bước chuẩn bị đầy đủ, chất lượng đào tạo lại tụt đi”, ông Khuyến cảnh báo.
Theo ông Khuyến, đại học đa lĩnh vực phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất, đặc biệt các trường thành viên phải được tổ chức theo từng lĩnh vực đào tạo (chứ không phải theo từng ngành đào tạo), với một hệ thống quản trị 3 cấp: đại học (University), trường (College) và khoa (Department). Cấp trường nằm trong đại học, hoàn toàn không được xem như một trường đại học độc lập.
“Một điểm hạn chế cần lưu ý hiện nay là các trường thành viên trong đại học đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao nên hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau, trước hết là về mặt đào tạo, nên không thể hiện được sức mạnh tổng hợp của mình như những đại học đa lĩnh vực đích thực”, ông Khuyến nói.
Ông Khuyến cũng cho rằng, thực tế, với một trường đại học không phải đa lĩnh vực không nhất thiết phải trở thành đại học mới nâng được đẳng cấp.
Theo nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT, không nên chú trọng quá nhiều về danh xưng “trường đại học” hay “đại học” mà nên quan tâm vào đẳng cấp thực sự của trường.
“Trở thành đại học chẳng qua là sự thay đổi về cơ cấu quản lý, chứ không phải là nâng đẳng cấp của trường”, ông Khuyến nói.
Làm gì để tránh tình trạng 'chỉ thay tên đổi họ'?
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho hay xu hướng chuyển từ trường thành đại học phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ và nhu cầu thị trường lao động.
“Nhu cầu giờ đây không phải chỉ là nhân lực được đào tạo theo kiểu đơn ngành mà đòi hỏi đa ngành. Muốn hướng tới đa ngành, thường tránh hình thành các khoa chuyên ngành mà thành lập nên các trường để hợp tác, chia sẻ nguồn lực với nhau”.
Theo ông Vinh, nhiều trường đại học muốn lên đại học để “lên một tầm cao mới”. Tuy nhiên, thực lực có hay không lại một chuyện rất khác. Đại học phải huy động được nguồn lực tổng hợp từ các đơn vị thành viên. Thách thức theo ông Vinh còn rất nhiều, về kinh nghiệm quản trị, năng lực đội ngũ, nguồn lực, nhận thức.
“Tuy nhiên năng lực của đội ngũ quản trị, rồi văn hóa tổ chức (do mỗi thành viên có thể có những quan niệm khác nhau về giá trị học thuật và chuẩn mực học thuật), thói quen và truyền thống hợp tác cũng như chất lượng hợp tác trong tổ chức đại học, giữa các trường thành viên là cái khó. Hiện nay, các khoa của các trường đại học cũng vậy, khó có sự hợp tác với nhau trong việc chia sẻ nguồn lực, mang tính liên ngành. Do đó, để trở thành đại học đúng nghĩa đòi hỏi một sự điều phối rất mạnh mẽ của hội đồng trường, hiệu trưởng”.
Ông Vinh cho rằng, thực tế hiện nay, sự kết nối giữa các trường thành viên trong đại học có phần hơi rời rạc. “Theo Luật Giáo dục Đại học, các trường thành viên cũng được tự chủ, đồng nghĩa tính độc lập tăng lên. Như vậy nếu việc điều phối không mạnh hoặc đại học không có đầu bài chung cho các trường, khi không có chung nhu cầu và lợi ích hài hòa với nhau, họ sẽ rất khó hợp tác.
Điều này dẫn tới chuyện mỗi ông một phách. Chỉ khi nguồn lực từ các trường thành viên được chia sẻ, việc trở thành đại học mới có ý nghĩa. Cần tránh việc chỉ 'thay tên đổi họ'. Để lên một đẳng cấp mới, cái quan trọng là cần phải nâng cao các trình độ về nhận thức, văn hóa và năng lực quản trị...”, ông Vinh nói.
Để tránh việc “lên đại học” chỉ là thay đổi tên gọi, không thực chất mà chỉ để tạo danh tiếng, theo ông Vinh, đòi hỏi phải tăng cường năng lực lãnh đạo quản lý, đặc biệt theo hướng đổi mới, sáng tạo.
“Người đứng đầu các trường (vốn là các khoa trước đây) cần phải có cách quản trị làm sao vẫn phát huy tính tự chủ của đơn vị, nhưng vẫn phải cùng tham gia với Hội đồng trường và các đơn vị của đại học điều phối hoạt động của đại học thành một thể hữu cơ, các đơn vị thành viên tương hỗ với nhau, chứ không phải cộng cơ học, mạnh ông nào ông ấy làm”.
Hiện, cả nước có 7 đại học gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP.HCM. |