Ông Lê Duy Minh, nguyên Cục trưởng Cục thuế TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, bị khởi tố, bắt giam để điều tra về tội Nhận hối lộ quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự. Ông Lê Duy Minh, bị cáo buộc liên quan vụ án tại Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil.
Sổ theo dõi tình hình nợ thuế đến kỳ tháng 8/2023 ghi nhận Xuyên Việt Oil còn nợ ngân sách nhà nước trên 1.528 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong tổng số thuế nợ đọng kể trên thì tiền thuế bảo vệ môi trường là trên 1.244 tỷ đồng. Số thuế còn nợ này phát sinh trên tờ khai tháng, từ kỳ tháng 10/2021 đến kỳ tháng 7/2022.
Một doanh nghiệp xăng dầu khác là Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà cũng nợ thuế đến tháng 7/2023 là hơn 1.700 tỷ đồng (chủ yếu thuế bảo vệ môi trường).
Nhiều doanh nghiệp xăng dầu tư nhân khác cũng nợ đọng số thuế bảo vệ môi trường rất lớn. Điều đó cho thấy việc các doanh nghiệp "quên", chây ì nộp ngân sách số tiền thuế này là khá phổ biến.
Số thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chiếm chủ đạo trong tổng thu thuế bảo vệ môi trường, và chiếm khoảng 2% tổng thu ngân sách nhà nước (sau khi đã giảm 50% mức thuế so với quy định tại Nghị quyết 579).
Mức thuế bảo vệ môi trường với xăng là mức 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 2.000 đồng/lít; dầu hỏa 1.000 đồng/lít (mức trần là 2.000 đồng/lít)... Đây là mức thuế áp dụng theo Nghị quyết số 579 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Những năm qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhiều lần giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để hỗ trợ DN, người dân. Hiện, thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ etanol) được giảm về mức 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg; dầu hỏa 600 đồng/lít.
Hồi tháng 6/2023, Tổng cục Thuế đã phải có văn bản gửi các Cục thuế về vấn nạn nợ đọng thuế bảo vệ môi trường. Theo Tổng cục Thuế, thời gian vừa qua, tình hình nợ đọng thuế bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có xu hướng tăng lên. Một số Cục Thuế chưa kiên quyết, chậm áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tổng cục Thuế khi đó đã đề nghị các Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đặc biệt là các Cục Thuế có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nợ lớn như: An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Hải Phòng, Hậu Giang, Kiên Giang, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Long An, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Sóc Trăng, Thái Bình, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh) triển khai thực hiện ngay các giải pháp để thu hồi nợ đọng thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách.
"Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế lớn, kéo dài trên địa bàn mà không kiên quyết áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế theo quy định để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước", Tổng cục Thuế chỉ đạo.
Vụ việc Xuyên Việt Oil và những bất thường trong việc thu hồi nợ đọng thuế của Cục Thuế TP.HCM với công ty này là cảnh cáo nghiêm khắc đối với các DN, Cục Thuế còn thờ ơ hay trục lợi từ việc chây ì, nợ đọng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu.