Câu chuyện cô giáo tại Tuyên Quang bị những học sinh lớp 7 nhốt trong lớp, chửi bậy, ném đồ vào người khiến nhiều người cảm thấy ám ảnh.
Chia sẻ trên VietNamNet, một độc giả cho biết thế hệ của anh, nếu bị thầy cô giáo đánh ở trường, khi về nhà thậm chí còn bị cha mẹ đánh thêm. Ra ngoài đường nếu thấy thầy cô, cả đám phải đứng khoanh tay chào từ xa, không ai dám hỗn láo.
Phụ huynh khi ấy cũng rất tin tưởng và kính trọng giáo viên, thậm chí nhiều cha mẹ còn cảm ơn thầy cô vì đã dùng đòn roi để uốn nắn con em mình.
“Thế hệ học trò giờ đây nhiều em không giữ được sự tôn trọng thầy cô như thế, thậm chí quậy phá, hỗn hào. Phụ huynh khi nghe thấy con em mình bị thầy cô phạt là kiện cáo, đòi cho thầy cô chuyển trường”, độc giả này chia sẻ.
Độc giả Vũ Hà cũng đồng tình rằng trước đây, nhờ thầy cô giáo nghiêm khắc, anh và những người bạn của mình dù rất nghịch ngợm nhưng đều trưởng thành và tới giờ vẫn luôn kính trọng, biết ơn thầy cô.
“Ngày nay, chỉ cần thầy cô mắng mỏ, đánh phạt học trò là sẽ phải chịu áp lực tứ phía. Quyền của học sinh giờ đây lớn hơn bao giờ hết”.
Độc giả Nguyễn Việt Sinh cho rằng khi mạng xã hội phát triển, trẻ em được tiếp xúc với nhiều thông tin độc hại, bạo lực trên mạng, vì vậy dễ bắt chước mất kiểm soát và trở nên hung hãn hơn.
“Giáo viên đứng lớp giờ đây rất áp lực, nhất là khi học sinh không chịu học hành, ngỗ nghịch, không sợ thầy cô. Giống như cô giáo ở Tuyên Quang sẽ còn bị ám ảnh rất lâu nữa về hành vi bạo lực của học trò – những hành động không còn là nghịch ngợm, hồn nhiên nữa. Nếu không được uốn nắn kịp thời, tương lai của các em sẽ bị đe dọa”, độc giả này bày tỏ.
Độc giả Mai Kiều cho rằng các nhà trường cần xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử dành cho giáo viên và nội quy đối với học sinh. Bên cạnh đó, cần xác định các thầy cô giáo, đặc biệt ở các cấp tiểu học, THCS, ngoài việc truyền bá kiến thức còn cần giáo dục nhân cách cho học sinh. Chính thầy cô cũng phải có nhận thức, suy nghĩ và hành xử xứng đáng với một nghề cao quý để trở thành tấm gương khiến học trò kính trọng, phụ huynh nể phục.
Trong khi đó, độc giả Đặng Hữu Đức cho rằng trẻ em là “tấm gương phản chiếu” gia đình và một phần xã hội các em tiếp xúc. Do đó, khi thấy những hành vi sai, cần phải có sự chấn chỉnh, xử phạt nghiêm túc, cứng rắn. Điều này sẽ cần tới sự phối hợp của gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội để tìm ra phương pháp giáo dục hiệu quả, giúp trẻ nhận thức được điều tốt – xấu, đúng – sai.
Trong câu chuyện của cô giáo tại Tuyên Quang, độc giả Nguyễn Thương cho rằng sự cô độc của giáo viên trên chính bục giảng tại ngôi trường mình đang giảng dạy chính là nguồn cơn của những hành xử phản giáo dục mà học trò dành cho cô.
“Thật đau đớn, đó là một khối u đang rất cần ngành giáo dục phải phẫu thuật cắt bỏ”.
Một độc giả khác cho rằng, trong các trường học giờ đây cần có đội ngũ an ninh chuyên bao quát, phát hiện bạo lực hoặc các vấn đề mất an ninh trong trường học để ứng cứu kịp thời. Thậm chí, các nhà trường cần lắp hệ thống nút chuông giải cứu ở mỗi lớp học (giống như nút ấn báo hỏa hoạn tại các tòa nhà) để học sinh hoặc bất kỳ ai gặp nguy cũng có thể bấm để gọi đội an ninh đến.
“Đã đến lúc cần nâng mức độ giám sát an ninh trường học lên cao hơn để các thầy trò có môi trường học an toàn, nhân văn”, độc giả này bày tỏ.
Độc giả Đức Luyện lại cho rằng, để xây dựng môi trường giáo dục trong lành, việc quan trọng nhất phải đặt vấn đề giáo dục đạo đức lên hàng đầu.
Trước tiên, đội ngũ giáo viên phải thật sự chuẩn mực về tư cách đạo đức, từ lời ăn tiếng nói, phong cách ăn mặc, cách cư xử trong cuộc sống đời thường. Bởi thực tế, lâu nay một số giáo viên vẫn còn sống buông thả, ăn mặc chưa đúng chuẩn mực nhà giáo, để lại ấn tượng xấu trong suy nghĩ của phụ huynh, học sinh nên chưa thực sự được học sinh tôn kính.
Về phía phụ huynh, cần phải nhận thức đúng pháp luật để phối hợp nhà trường trong dạy bảo con em mình. “Thực tế vẫn còn một phần nhỏ phụ huynh xem thường giáo viên, chưa phối hợp trong giáo dục con em mình; luôn chỉ trích lỗi nhỏ của giáo viên, hùa theo con em mình phán xét thầy cô”, độc giả này bày tỏ.
Về phía học sinh, độc giả cho rằng, cần phải rèn đạo đức thông qua các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, chào cờ kết hợp gia đình để giáo dục. Các nhà trường cần nghiêm khắc xử lý và đuổi học những học sinh vi phạm nghiêm trọng, chuyển những học sinh này vào sinh hoạt lớp chậm tiến bộ hay chuyển sang trường giáo dưỡng chuyên biệt.