Ngộ độc do vi sinh vật

Mới đây, một trẻ ở TP.HCM bị tử vong và hàng chục người bị ngộ độc sau khi ăn bánh su kem liên hoan Trung thu. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các loại bánh kem, bánh ngọt là môi trường màu mỡ để các vi khuẩn gây ngộ độc sinh sôi nảy nở.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch liên chi Hội truyền nhiễm TP.HCM, ngộ độc thực phẩm thường xảy ra hàng loạt sau bữa ăn từ 30 phút tới 6 tiếng với biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, mất nước, nôn ói… Tình trạng ngộ độc phụ thuộc vào lượng vi khuẩn trong bánh, thể trạng người ăn. Ví dụ, trẻ nhỏ thường dễ gặp nguy hiểm khi ăn bánh có vi khuẩn hơn người lớn.

Ngộ độc thực phẩm do bánh su kem, bánh ngọt hay bất cứ thực phẩm nào đều khó xác định vi khuẩn nhiễm từ đâu. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào bánh lúc chế biến, bày bán, vận chuyển hoặc trong chính lúc bày tiệc để ăn.

Các nhóm tác nhân gây ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn tụ cầu vàng, ecoli, salmonela… Những loại vi khuẩn này rất dễ bám vào thức ăn.

W-banh-ngot-1.png
Các loại bánh kem đều phải được bảo quản và vận chuyển chặt chẽ.

Nguồn gốc của nhóm vi khuẩn gây ngộ độc thường ở chất thải của người, động vật, trên các loại thịt nếu chế biến thức ăn không đảm bảo có thể nhiễm vi khuẩn. Các đường truyền có thể do thực phẩm sống sang chín qua tay, dụng cụ chế biến, dao, thớt. 

Cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm có thể gây tử vong do mất điện giải qua nôn ói, tiêu chảy hoặc độc tố phát tán gây tổn thương nhiều cơ quan, suy đa cơ quan gây tử vong.

Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, những người xung quanh cần xác định trường hợp nguy cơ như trẻ em, người già, người suy giảm miễn dịch có thể tiến triển nặng cần đến các cơ sở y tế. Người khỏe phải đi viện nếu có các triệu chứng sốt cao, phân xanh, thay đổi tri giác.

Trường hợp ngộ độc theo dõi tại nhà cần lưu ý uống nước nhiều hơn, có thể uống thuốc chống nôn, ăn thức ăn lỏng. Người thân cần theo dõi sát sao nhất là trong 6 tiếng đầu. 

Cách bảo quản bánh

Theo bác sĩ Khanh, khâu bảo quản bánh ngọt, bánh su kem rất quan trọng. Khí hậu nước ta nhiệt đới dễ ôi thiu hơn nên cần giữ bánh ở môi trường lạnh và ăn ngay khi lấy ra. Bánh phải được sử dụng hết trong 24 giờ.

Khi mua bánh tốt nhất không để qua đêm ở nhiệt độ thường, không để bánh ở các vị trí dễ nhiễm vi khuẩn. Nếu bỏ tủ lạnh cần có hộp kín, không để gần khu thực phẩm chưa chế biến. Người ăn cần xem bánh có bất thường không.

Bác sĩ Khanh nhấn mạnh việc phòng ngừa ngộ độc thực phẩm không phải chỉ nằm ở khâu bảo quản, cần chú ý từ lúc xuất xưởng. Người tiêu dùng nên chọn mua từ nhà sản xuất có uy tín, tránh các cơ sở không nhãn mác, tên tuổi. Nên chọn cơ sở sản xuất uy tín, được cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì rõ ràng, có ghi ngày hạn sử dụng, tên công ty.

Giao Linh và nhóm PV, BTV