Liên tiếp những vụ tai nạn xe khách nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua, trong đó vụ tai nạn xe khách Thành Bưởi làm 5 người thiệt mạng tại Đồng Nai (30/9), một lần nữa cảnh báo về những lỗ hổng trong công tác quản lý vận tải hành khách liên tỉnh trên cả nước.
Là một doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh có quy mô lớn vậy mà nhà xe Thành Bưởi vẫn bất chấp các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách, an toàn tính mang của hành khách để lách luật, hoạt động đón trả khách sai quy định.
Nhà xe này hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng trá hình tuyến cố định, lập “bến cóc” ngay trong thành phố. Công khai trên website nhận đặt chỗ để chở khách bằng hình thức hợp đồng ghép khách. Bản thân nhà xe này chỉ bị kiểm tra, xử phạt nghiêm sau khi gây ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.
Trên thực tế, không chỉ riêng nhà xe Thành Bưởi kinh doanh theo kiểu xe hợp đồng trá hình, tình trạng này còn diễn ra tại rất nhiều doanh nghiệp vận tải khách trên cả nước.
Theo số liệu của Cục Đường bộ Việt Nam cho, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 18.800 đơn vị đăng ký kinh doanh xe hợp đồng, xe du lịch với hơn 224.800 xe (chiếm gần 71% tổng số xe khách). Tuy nhiên, rất nhiều xe đăng ký kinh doanh là xe hợp đồng nhưng lại “lách luật” chạy như tuyến cố định.
Bản chất tình trạng xe hợp đồng trá hình ngày càng phức tạp xuất phát từ sự cạnh tranh không bình đẳng giữa xe tuyến cố định liên tỉnh và xe hợp đồng.
Trong khi xe chở khách tuyến cố định phải chịu nhiều điều kiện về thuế phí, đón trả khách theo giờ, chạy đúng luồng tuyến thì xe hợp đồng trá hình lại không chịu những điều kiện ràng buộc nên có thể đón trả khách mọi lúc, mọi nơi, tăng giá vé cũng chẳng phải xin phép cơ quan nào…
Chính việc phải cạnh tranh không bình đẳng với xe hợp đồng trá hình nên nhiều nhà xe tuyến cố định phải lựa chọn “bỏ bến chạy dù” ra ngoài hoạt động như xe hợp đồng. Thực tế này khiến cho vận tải hành khách liên tỉnh trở nên ngày càng phức tạp, khó quản lý hơn.
Ban hành luật phải đi vào cuộc sống
Bộ GTVT thừa nhận, Nghị định 10/2020 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô còn bất cập, chưa quản lý được xe hợp đồng. Trong đó, quy định về chế tài xử phạt vi phạm bằng thu hồi phù hiệu xe kinh doanh chưa cụ thể, có đơn vị vừa nộp lại phù hiệu đã lập tức xin cấp mới, hoặc không nộp phù hiệu cũng không có chế tài xử lý.
Ngoài ra, việc thiếu chế tài để thu hồi đăng ký tuyến của xe khách, dẫn tới nhiều xe đăng ký tuyến, đăng ký bến, nhưng thực tế không vào bến xe, mà ra ngoài chạy dù, lập bến cóc…. Chính quy định trong Nghị định 10 còn nhiều kẽ hở nên xe hợp đồng đã lợi dụng để chạy trá hình như tuyến cố định liên tỉnh.
Với những bất cập tại Nghị định 10 được Bộ GTVT nêu ra, việc sớm bổ sung sửa đổi nghị định này bằng các quy định phù hợp hơn để lập lại trật tự vận tải hành khách (bao gồm cả xe cố định và xe hợp đồng) là rất cần thiết và phải làm ngay.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, với quy định hiện hành và hệ thống quản lý đang có, nếu cơ quan chức năng thực hiện nghiêm sẽ ngăn chặn được rất nhiều tai nạn thảm khốc vừa qua.
Thực tế, sự kết nối, liên thông giữa các lực lượng quản lý xe khách chưa tốt, thiếu chặt chẽ dẫn tới việc quản lý, giám sát xe kinh doanh vận tải khách bị buông lỏng, cắt khúc, từ chính sách, quy định tới thực thi, giám sát, xử lý.
Nói rõ hơn, việc để xe hợp đồng trá hình phát triển, hoạt động bát nháo thời gian qua có nguyên nhân không nhỏ từ việc buông lỏng quản lý của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương.
Việc các nhà xe lập “bến cóc” đón trả khách sai quy định nếu lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát xử phạt nghiêm, kịp thời thì chắc chắn xe hợp đồng trá hình không thể ngang nhiên hoạt động khắp các đô thị như hiện nay.
Nhìn công tác quản lý nhà nước từ vụ việc nhà xe Thành Bưởi, chỉ đến khi xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, lúc đó thanh tra giao thông, chính quyền địa phương tại TP.HCM mới vào cuộc xử lý sai phạm. Thực tế này khiến dư luận băn khoăn: Có hay không việc bao che của lực lượng chức năng, chính quyền để cho nhà xe này ngang nhiên tồn tại?
Việc để xe hợp đồng trá hình “núp bóng” xe hợp đồng, lập văn phòng, “bến cóc” đón trả khách sai quy định không bị cơ quan chức năng xử lý chẳng khác nào “con voi chui lọt lỗ kim”.
Vẫn biết rằng, với các đô thị đông dân như Hà Nội, TP.HCM địa bàn rộng, lực lượng chức năng (TTGT, công an) có nhiều vấn đề phải quan tâm xử lý, nhưng với quản lý trật tự giao thông đô thị, khi người dân dừng đỗ xe cá nhân bên lòng đường sai quy định 10-15 phút ngay lập tức có lực lượng đến nhắc nhở, xử phạt vi phạm ngay. Vậy tại sao các nhà xe hợp đồng lập văn phòng đón trả khách khắp nơi gây mất trật tự an toàn giao thông lại không được xử lý nghiêm, yêu cầu dừng hoạt động?
Quy định của pháp luật chỉ đi vào cuộc sống khi lực lượng thực thi công vụ xử lý nghiêm các sai phạm đúng quy định, lúc đó sức mạnh của pháp luật mới đảm bảo tính răn đe. Nói rõ hơn, nếu việc sửa đổi Nghị định 10 có đề ra nhiều quy định hơn nữa về quản lý vận tải hành khách, nhưng việc quản lý, giám sát xe hợp đồng vẫn bị buông lỏng thì tình trạng xe hợp đồng trá hình hoạt động bát nháo vẫn khó được giải quyết triệt để.
Ứng dụng công nghệ để phát hiện, xử lý sai phạm kịp thời
Việc xử lý xe hợp đồng trá hình, bên cạnh việc trông chờ vào lực lượng thực thi xử lý nghiêm sai phạm thì cần phải ứng dụng công nghệ thông tin (phần mềm) để quản lý tốt hơn.
Dù hiện nay quy định quản lý xe vận tải hành khách qua hệ thống phần mềm giám sát hành trình, nhưng nhiều Sở GTVT phản ánh hệ thống phần mềm của Bộ GTVT được vận hành từ năm 2016 tới nay đã lạc hậu, không được cập nhật, khó khai thác dữ liệu để xử lý xe vi phạm…
Các sở GTVT địa phương muốn khai thác dữ liệu thiết bị giám sát hành trình để kiểm tra hoạt động kinh doanh chở khách (thời gian lái xe, tốc độ, hành trình…) thì phải có hệ thống phần mềm hiện đại để cập nhật nhanh chóng.
Thay vì phải tập hợp thủ công như hiện nay, Bộ GTVT cần nhanh chóng cải tiến phần mềm giám sát hành trình theo hướng tự động cập nhật vi phạm và cảnh báo, tổng hợp, để cơ quan quản lý, lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát, xử phạt ngay trên đường, để chặn các nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông.