Trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội, vấn đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đảng đặc biệt quan tâm. Hội nghị Trung ương 4 các khóa đều nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này. Thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà trọng tâm ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hoá” ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có ý nghĩa sống còn cũng như sự tồn vong của chế độ.
Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo “tình trạng suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường”.
Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận số 21 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị và Quy định số 37 về những điều đảng viên không được làm nhằm khắc phục, ngăn chặn và đầy lùi tình trạng này.
Một số vụ việc gần đây ở vài địa phương và một số cơ quan, đơn vị, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật vì vi phạm đạo đức, lối sống cho thấy tính phức tạp, tinh vi của hiện tượng này. Điển hình như vụ ông Đào Duy Anh - nguyên Phó Giám Đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên bị kỷ luật do đã vi phạm Quy chế văn hóa công sở, Quy định về trách nhiệm nêu gương trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Tiếp theo đó là vụ ông Lê Hùng Sơn, cựu Bí thư Huyện ủy huyện Cô Tô, vi phạm Quy chế làm việc, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm nghiêm trọng phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương, quan hệ bất chính với cán bộ thuộc quyền.
Những cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống nêu trên dù đã bị kỷ luật nghiêm khắc, nhưng vẫn còn những vấn đề cần cảnh báo.
Mới đây, vụ Trưởng khoa Trường Đại học Luật Hà Nội (ông L.M.T.) bị tố cáo với hành vi cưỡng hiếp, đánh đập chị V.N.H. đang được các cơ quan chức năng xác minh và vẫn còn nhiều ẩn số cần làm rõ. Tuy nhiên, sự việc này một lần nữa dấy lên nhiều lo ngại trong cộng đồng xã hội và gây bất bình đến dư luận cả nước về đạo đức, lối sống của "một bộ phận không nhỏ".
Hiện các quy định về tiêu chuẩn, quyền, trách nhiệm và đạo đức của viên chức, công chức được cụ thể hóa bằng các đạo luật. Đảng có quy định về những điều đảng viên không được làm. Ngoài ra, trong các cơ quan, đơn vị cụ thể đều có nội quy, phép tắc làm việc rõ ràng.
Thế nhưng một Trưởng Khoa Trường Đại học lớn có học hàm, học vị, vừa là một đảng viên, vừa là một nhà giáo đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một bệnh viện đã đào tạo qua các lớp từ trung đến cao cấp lý luận chính trị, hay các khóa bồi dưỡng, dự nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo lại bị tố cáo về những hành vi phạm pháp luật, vị phạm đạo đức lối sống ngoài sức tưởng tượng trong quan hệ ứng xử của con người với con người.
Có thể thấy nguyên nhân từ các vụ việc cán bộ, đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống nói chung và cán bộ lãnh đạo, quản lý suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nói riêng có tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, cũng như du nhập từ lối sống hưởng thụ, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là bản thân các cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lập trường, tư tưởng không vững vàng, chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, hẹp hòi.
Vì vậy, việc nhận diện rõ ràng và chính xác hiện tượng này nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, phát hiện và xử lý nghiêm minh những ai vi phạm mà Tổng Bí thư nhiều lần nhấn mạnh càng cho thấy tính cấp bách của vấn đề.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho họ góp phần thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Hệ thống chính trị trong thời kỳ mới.
TS. Cù Văn Trung