W-nguyenvancuong-5-1.jpg
Tủ bánh mì 0 đồng được đặt ở Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn

Tủ quần áo, bánh mì 0 đồng giữa đại ngàn

Trưa một ngày cuối năm, ở vùng núi huyện Khánh Sơn, tiết trời se lạnh. Vơ vội chén cơm, anh Nguyễn Văn Cường (40 tuổi, kỹ thuật viên xét nghiệm Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn) mở túi hàng vừa nhận được ở miền xuôi gửi lên. Bên trong là những bộ quần áo đủ màu, mới cũ có đủ. Tỉ mẩn kiểm tra, anh đưa đi giặt, gấp gọn để đưa tới tủ đồ 0 đồng, đặt trong khuôn viên trung tâm.

W-nguyen-van-cuong-5-1.jpg
Anh Cường cùng người thân phân loại quần áo nhận được từ nhà hảo tâm

Anh Cường chia sẻ, anh lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc của gia đình, lối xóm. Anh chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây còn vất vả, khốn khó. Nhiều bà con đi rẫy, quần áo mỏng dính. Nhiều bệnh nhân đang điều trị, cùng người thân mặc những chiếc áo đã sờn màu, cũ kỹ… Những hình ảnh ấy khiến anh xót xa. Điều này thôi thúc anh xây dựng tủ đồ 0 đồng và bữa sáng cho mọi người.

Năm 2018, anh trình bày với lãnh đạo trung tâm nguyện vọng được sẻ chia với bệnh nhân, người nghèo. Họ đồng ý. Từ đó, anh liên hệ người quen, bạn bè. Mọi người đều tán thành, hỗ trợ.

Là người khuyết tật, đi lại khó khăn, anh Cường đã cải tạo chiếc xe máy thành xe ba bánh. Sau mỗi giờ làm, hay khi rảnh rỗi, anh lại băng qua những ngọn đồi, vận động nhà hảo tâm để nhận về những bộ quần áo, thùng sữa, bao gạo… trao tới cho người cần.

Từng bộ quần áo sau khi tiếp nhận được anh và vợ giặt sạch sẽ, thơm tho, rồi treo lên tủ. Các cộng sự ở đơn vị cũng ủng hộ anh. Mỗi khi ai cần, họ tới chọn. “Áo quần có thể không mới, nhưng đó là tình cảm của anh Cường và cộng đồng sẻ chia với những người khó khăn”, chị Cao Hà, 39 tuổi, ở huyện Khánh Sơn, chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, anh Cường còn xây dựng tủ bánh mì 0 đồng cho bệnh nhân, người nghèo. Nhiều người bệnh điều trị hàng tháng trời, người nhà đi theo chăm sóc, họ ít khi nghĩ tới việc ăn sáng, hay uống sữa.

W-nguyenvancuong-7-1.jpg
Chiếc xe được anh Cường sử dụng để trao quà cho người nghèo

Mỗi sáng thứ Hai, vào khoảng 6h hơn, anh Cường cùng các cộng sự tất bật phát những suất ăn miễn phí cho người bệnh. Suất ăn sáng có khi là bánh mì, xôi, cháo, hoặc sữa. Người già, trẻ em, những hoàn cảnh khó khăn là địa chỉ mà anh Cường và bạn bè hướng tới. Người dân có con nhỏ ghé tới cũng được nhận miễn phí.

Phòng làm việc của kỹ thuật viên xét nghiệm này lúc nào cũng có đầy các loại sữa. Mỗi lần có trẻ em, người già tới khám, anh lại ân cần, nở nụ cười và tặng cho họ. “Nhận tấm lòng ấy, dù không nhiều, song ai cũng thấy ấm lòng”, bà Bo Bo Sương, 50 tuổi, chia sẻ.

W-nguyenvancuong-6-1.jpg
Người mẹ ẵm con nhận sữa tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn

Trái tim đôn hậu của anh Cường

Anh Cường là con út trong gia đình 7 anh em. Năm 4 tuổi, sau một cơn sốt, anh bị biến chứng khiến chân co quắp. Cha mẹ đưa anh đi chạy chữa khắp nơi, nhưng vô vọng. Là con út, anh nhận được nhiều yêu thương của cha mẹ và anh chị. Nơi anh sống, người dân làm nương rẫy, ít quan tâm con chữ, song với anh trái ngược, được vun đắp việc học. Điều này khiến anh vơi đi sự tự ti về nghịch cảnh của bản thân.

Khi vào THPT, anh bị bạn bè trêu là “Cường Dẹo”. Thậm chí, một số bạn còn vô tâm bắt chước dáng đi của anh như một trò chơi thú vị. “Có những lúc mình chạnh lòng, nhưng được mọi người động viên, lâu dần cũng bỏ ngoài tai những lần trêu chọc đó”, anh tâm sự.

W-nguyen-van-cuong-3-1.jpg
Anh Cường mong có đủ sức khỏe để tiếp tục hành trình thiện nguyện

Nhờ những nỗ lực của bản thân, chàng trai hoàn thành các chương trình học, rồi chọn theo ngành y. Năm 2009, anh tốt nghiệp trung cấp ngành xét nghiệm tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (thuộc Bộ Y tế), rồi về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn, đến nay đã được gần 14 năm.

Chị Trần Thị Lài (vợ anh Cường) bảo, ban đầu chị khá ấn tượng, thiện cảm với anh chàng đi chiếc xe cải biên, khuôn mặt lúc nào cũng nở nụ cười. Hai người thường xuyên nói chuyện, chị cũng nghe anh chia sẻ nhiều về công việc, cuộc sống rồi cảm mến, tiến tới hôn nhân.

Họ có quán cà phê nhỏ tại nhà. Mỗi khi rảnh rỗi, chị lại cùng chồng rong ruổi, nhận những món quà từ nhà hảo tâm về san sẻ cho người khó khăn. Lâu dần, chị cũng quen với công việc của chồng và cùng đồng hành.

“Tôi chỉ lo nhất mỗi khi trời mưa, đường đồi núi, anh ấy đi lại nguy hiểm. Còn bình thường công việc của anh, mình chỉ ủng hộ vì biết đó là đam mê của chồng”, chị bày tỏ.

W-nguyenvancuong-4-1.jpg
Vợ chồng anh Cường

Ông Trần Ngọc Thạch, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn, nhìn nhận mô hình thiện nguyện của anh Cường đã phần nào chia sẻ được khó khăn cho bệnh nhân khi tới điều trị, cũng như những người có hoàn cảnh khó khăn trong vùng.. Về công việc, anh Cường có chuyên môn tốt, nhiệt tình, hòa đồng với đồng nghiệp và luôn hoàn thành nhiệm vụ.

Với những hành động đẹp của mình, anh Cường được Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng; Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022; Bằng khen Tỏa sáng Nghị lực Việt 2022 của Hội LHTN Việt Nam.

Anh Cường bảo, tủ đồ 0 đồng, hay bánh mì thiện tâm cũng xuất phát từ những thứ cần thiết giúp bà con. “Mình còn sức khỏe thì cứ làm để thấy lòng an yên hơn. Bởi, mình còn may mắn hơn nhiều người khi có gia đình, công việc ổn định”, anh chia sẻ.

Những ngày cuối năm, anh Cường lại tất bật ngược xuôi, trao những những phần quà tới tay người cần để họ đón Tết được đầy đủ, trọn vẹn hơn.