- Xung quanh vấn đề nhiều di tích bị xuống cấp, xâm lấn PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hồng Phong – Phó chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm.

{keywords}

Khu vực phố cổ tại Hà Nội từ lâu luôn là nơi tập trung nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Với 3 khu vực đặc trưng của Hà Nội, Hoàn Kiếm là nơi có nhiêu di sản có giá trị đặc biệt. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đền chùa đang bị xuống cấp. Xung quanh vấn đề trên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hồng Phong - Phó chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm.

Nhiều di tích không còn yếu tố thờ cúng

- Quận Hoàn Kiếm là nơi có nhiều di tích gắn liền với sự hình thành và phát triển của Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay nhiều di tích đang bị biến dạng gây nhức nhối dư luận. Những đình làng xưa nay trở thành nhà nghỉ, quán cà phê, cửa hàng bán nội y như đình Hàng Quạt, đình Hoa Thị...  Ông đánh giá như thế nào về những hiện tượng trên?

Theo kết quả điểu tra cơ bản năm 2012, quận Hoàn Kiếm hiện có 188 di tích. Trong đó có 40/77 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, 44/54 di tích cách mạng kháng chiến đã được gắn biển công nhận. 57di tích đã bị biến dạng không còn yếu tố thờ cúng chỉ còn lại vết tích.

Toàn quận hiện có gần 450 hộ dân với trên 2000 nhân khẩu đang ở và sử dụng trong di tích, trong số đó có 120 hộ dân có hợp đồng với cơ quan nhà đất, 330 trường hợp không có giấy tờ hợp đồng tự ý vào sử dụng, có 24 cơ quan, đơn vị, trụ sở, trạm y tế đang sử dụng trong di tích.

Đặc biệt trong 40 di tích đã được xếp hạng hiện còn 201 hộ dân, 6 cơ quan đơn vị, 4 trường học và 5 cửa hàng ở trong khuôn viên khu vực I của di tích.

Số di tích bị lấn chiếm, vi phạm dàn trải ở phần lớn các di tích trên địa bàn, tập trung chủ yếu ở khu vực phố cổ. Đây là chuyện không mới mà quá trình vi phạm di tích này diễn ra mạnh vào những năm 1960.

{keywords}

 

- Hiện nhiều di tích đã bị biến dạng hoàn toàn, không còn yếu tố thờ cúng, trở thành diện tích tự quản của cơ quan, trường học và các hộ dân. Câu chuyện vi phạm di tích thực sự không phải là chuyện mới nhưng đến nay vẫn cứ tồn tại nhức nhối. Vậy nguyên nhân ở đây là gì, thưa ông?

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm cũng rất nhiều: Đó là những tồn tại lịch sử từ trước ngày giải phóng Thủ đô, những người dân lao động ngoài bờ sông chạy lụt vào ở nhờ trong các di tích vào những năm 1971 – 1972, những hộ dân được nhà nước bố trí, sắp xếp vào ở thuộc diện Z30 những năm 1980 – 1082, là con cháu, người quen của người trụ trì, trông nom di tích cũng có những trường hợp tự ý vào ở, mua bán chuyển đổi diện tích ở. Thậm chí là cả những sắp xếp, bố trí địa điểm, trụ sở làm việc của UBND phường, cơ quan, trường học, trạm y tế, tổ phục vụ bao cấp trước đây…

Đó là do quá trình tồn tại của lịch sử để lại. Tình trạng vi phạm, chiếm dụng khuân viên di tích, cổng di tích làm nơi để, đỗ xe, kinh doanh, buôn bán cũng do mưu cầu cuộc sống của những hộ dân hiện đang ở bên trong các di tích.

Cho đến nay nhiều di tích bị biến dạng, xuống cấp nhanh chóng. Đây không những là tồn tại lịch sử lâu dài mà còn là thách thức lớn trong các di tích của quận Hoàn Kiếm, cần phải nỗ lực tập trung từng bước giải quyết dứt điểm.

Giải quyết từng bước

- Quần thể di tích là một bộ phận không thể thiếu làm nên giá trị, vẻ đẹp của kiến trúc phố cổ Hà Nội. Sự vi phạm, lấn chiếm, xuống cấp của di tích trong thời gian qua nguyên nhân có nhiều, tồn tại cũng không ít. Quận đã đưa ra việc từng bước tập trung để giải quyết. Vậy từng bước tập trung giải quyết vấn đề này cụ thể như thế nào, thưa ông?

Trước thực trạng trên, chúng tôi đã từng bước giải quyết việc di chuyển các hộ dân ra khỏi khuôn viên các di tích lịch sử đã được xếp hạng. Từ năm 2005 – 2011 đã di chuyển được 53 hộ dân, 2 cơ quan, 4 cửa hàng ra khỏi di tích, đầu tư tu bổ, tôn tạo được 30 di tích với kinh phí hàng trăm tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách và huy động xã hội hóa như đền Bạch Mã, đình Yên Thái, đền Phù Ủng, đền Hương Tượng, chùa Lý Triều Quốc Sư, chùa Thiên Phúc….

{keywords}

 

Tiếp theo đó, trong năm 2012 quận đã tập trung đầu tư trùng tu, tu bổ, tôn tạo quy mô lớn ở 4 di tích với kinh phí từ ngân sách nhà nước và nhân dân đóng góp tại chùa Bà Đá (phường Hàng Trống), đình Phả Trúc Lâm (phường Hàng Trống), chùa Kim Cổ (phường Cửa Đông), đền Phù Ủng…

Đồng thời đã triển khai giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân ở 4 di tích với 27 hộ dân được chuyển khỏi di tích về nơi ở mới, trả lại cảnh quan ban đầu cho nhiều di tích như chùa Kim Cổ - 3 hộ, chùa Huyền Thiên (phường Đồng Xuân) – 14 hộ, chùa Vĩnh Trù (phường Hàng Mã) – 8 hộ…

Hiện quận Hoàn Kiếm đang triển khai đề án giãn dân ra khỏi khu phố cổ đối tượng triển khai đầu tiên là những hộ dân sống trong các công trình di tích sẽ áp dụng theo chính sách đền bù giải phóng mặt bằng.

Quận cũng đề nghị Sở VHTTDL tham mưu với UBND Thành phố có giải pháp cụ thể để giải quyết đối với các di tích đã bị biến dạng, không còn yếu tố thờ cúng, từ lâu nhân dân đã ở, sử dụng để có biện pháp quản lý thống nhất.

Mặt khác, cần xây dựng cơ chế quản lý di tích lịch sử văn hóa gắn với trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ. Ngăn chặn việc tách hộ khẩu, mua bán, chuyển nhượng nhà đất đang nằm trong khuôn viên các di tích lịch sử văn hóa.

Xin cảm ơn ông!

Thu Lý - Hồng Khanh (thực hiện)