Tôi hạnh phúc vì tiếng hát của mình không chỉ chạm đến những chủ doanh nghiệp, tập đoàn lớn
- Anh chi bao nhiêu cho MV được gọi là "đầu tư cao nhất 20 năm sự nghiệp"?
Hàng tỷ đồng! Lần đầu tiên tôi chơi tất tay đấy. Nghệ thuật là cuộc chơi của những người vừa có tiền vừa có gu. Khi cuộc sống tạm ổn, tôi muốn chơi tất tay như thế này.
- Hẳn chơi tất tay cũng không đáng lo lắm với anh, nhất là ngoài nhiều show, nghe đồn anh còn thân thiết nào đại gia ngân hàng, nào đại gia viễn thông?
Đó là các doanh nghiệp lớn, có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Và tôi thấy may mắn và tự hào giọng hát và hình ảnh của mình được các doanh nghiệp đó quý mến, cho phép mình được góp phần quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp. Tôi cảm kích và cũng phần nào tự hào về điều đó. Điều khiến tôi hạnh phúc hơn cả là tiếng hát của mình không chỉ chạm đến những chủ doanh nghiệp, tập đoàn lớn mà còn rất nhiều khán giả ở các tầng lớp khác nhau.
Từng có đôi vợ chồng già đội mưa gió đèo nhau đến liveshow Tùng Dương hát tình ca 2 nói muốn nghe tôi hát. Với một tâm hồn chỉ biết mải miết hát như tôi, bạn biết tôi đã hạnh phúc thế nào rồi chứ?
- Mấy ngày nay mạng xã hội chia sẻ MV "Cánh chim Phượng hoàng" với thông điệp tôn vinh phụ nữ. Nhưng nếu vậy, người khoác chiếc áo phượng hoàng kia phải là phụ nữ chứ sao lại là Tùng Dương?
Tôi là người kể chuyện và đương nhiên không bao giờ nói mình là phượng hoàng cả. Tôi được lĩnh hội tinh thần từ các chị thôi.
Tôi thân nhiều nữ nghệ sĩ. Những người đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, sự nghiệp của tôi cũng đa phần là nữ. Vì vậy, tôi làm MV mượn hình ảnh 5 chị nói về con người, xa hơn là văn hóa Việt Nam.
Trích đoạn MV "Cánh chim Phượng hoàng"
Bạn cứ cho tôi là một sứ giả đi. Tôi được phép hình dung mình là một con phượng hoàng trống đúng không? Tôi nghĩ rằng nó mang tính biểu tượng thôi.
- Nhưng trong MV, anh mặc áo phượng hoàng lại còn đứng đầu hàng, trước cả 5 nữ thần. Nên hiểu MV này tôn vinh phụ nữ hay tôn vinh Tùng Dương đây?
Gọi là tôn vinh phụ nữ nhưng không chỉ phái yếu mà con người nói chung ai chẳng phải trải qua những thử thách, cam go, phải bền gan đương đầu chông gai trong cuộc sống?
Cứ cho rằng tôi là một sứ giả đang lang thang. Tôi cũng đang tìm bản ngã của mình và vượt qua những chông gai nào đấy. Và tôi được các chị tiếp thêm năng lượng để tiến đến vùng ánh sáng đẹp đẽ.
Mọi thứ trong MV này chỉ mang tính biểu đạt, không có ẩn ý nào sâu xa cả. Càng không có nghĩa tôi là người này, người kia.
Ngay cả khi khoác trên mình chiếc áo lông của phượng hoàng, tôi cũng chưa chắc là phượng hoàng. Tôi chỉ là người mang vác sứ mệnh truyền cảm hứng và nhận được năng lượng từ phượng hoàng.
Không cảm thấy bị thiếu tôn trọng nếu được giới thiệu là "diva Tùng Dương"
- Lúc làm MV này, anh có nghĩ đến những đồng nghiệp gắn với danh xưng phượng hoàng như Hà Trần hay Hoàng Thùy Linh không?
Tôi mời 5 chị Lê Khanh, Thanh Lam, Linh Nga, Hà Kiều Anh và Thúy Hiền, có thể không là số 1 nhưng tiêu biểu và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sau này trong lĩnh vực của mình.
Cả tôi và 2 nghệ sĩ bạn nhắc đến đều công nhận chị Thanh Lam là người đi tiên phong và có sức ảnh hưởng lớn trong nền nhạc nhẹ Việt Nam.
Ban đầu, tôi vốn định mời đến 6 người, đó là cô Bạch Tuyết. Tuy nhiên, lúc tôi quay MV cũng trùng hợp cô đang đi làm dự án ở xa. Tôi vẫn mong trong tương lai sẽ có duyên làm việc với cô.
- Dù mang danh divo, hình ảnh Tùng Dương hát say mê và thăng hoa trong những bộ cánh lộng lẫy đến lóa mắt rất dễ liên tưởng đến các nữ danh ca. Trong anh có 1 diva?
Từ tấm bé, tôi đã mê mẩn các diva như Whitney Houston, Mariah Carey, Celine Dion và Madonna. Hình ảnh của diva rất cao quý, ai được truyền cảm hứng bởi diva tức là đã "nhiễm" tinh thần sáng tạo, vẻ đẹp lung linh, lộng lẫy của họ trên sân khấu.
Nhiều nam danh ca trên thế giới như Elton John, Michael Jackson, Freddie Mercury... cũng chịu ảnh hưởng bởi các diva.
Tôi cũng vậy, được họ truyền cảm hứng rất nhiều nhưng tôi chỉ là Tùng Dương thôi. (cười) Nếu ai đó nói "Tùng Dương rất diva" hoặc lỡ giới thiệu tôi là "diva Tùng Dương" cũng không có vấn đề gì cả. Tôi chẳng cho đấy là thiếu tôn trọng mình.
Tùng Dương vẫn là Tùng Dương! Các danh hiệu đơn thuần là sự yêu mến của công chúng, báo giới và nhà chuyên môn dành cho mình.
Năm nào cũng có người hỏi tôi làm hồ sơ xin Nghệ sĩ ưu tú chưa. Nhưng là một ca sĩ, tôi ghi được hình ảnh trong lòng công chúng, bước ra sân khấu được vỗ tay rào rào cũng rất tốt rồi.
- Anh chưa làm hồ sơ đề nghị xét tặng Nghệ sĩ ưu tú hay có kiêng kỵ nào với việc đó?
Tôi bận quá, cũng chưa biết nếu làm phải bắt đầu từ đâu. Nếu mọi người mong có 1 ông NSƯT Tùng Dương hát với rapper Gen Z chẳng hạn thì tôi sẽ làm. Tôi 41 rồi, không còn trẻ trung nữa đâu mà ngại.
Tôi đã khác
- Khoảng vài năm trước thôi, chẳng ai nghĩ anh thay đổi nhiều thế này. Bớt thẳng thắn đi một chút, "thảo mai" nhiều hơn và gần như không giấu được tham vọng chinh phục khán giả, thị trường miền Nam, thậm chí càn quét giải thưởng trong này.
Tôi vẫn rất thẳng thắn, khen chê rõ ràng nhưng biết cách tôn vinh, cổ vũ người khác cũng như góp ý sao cho họ không bị tổn thương. Đâu có nghĩa rằng lời khen của tôi không thật?
Khi gặp nhau, chúng ta có thể chào hỏi, nói cười xã giao hay lên mạng gọi nhau "anh yêu, chị mình" đâu phải do tôi nghĩ ra. Đấy không phải là thảo mai mà là khéo léo giao tiếp.
Nhưng anh nói đúng khi bây giờ, tôi luôn nhìn thấy những gì tích cực nhất trong người khác và muốn khơi lên những điều đấy cho mọi người.
Trước dịch Covid-19, tôi từng đi Tây Tạng. Ở độ cao 5.000m, người ta phải thở oxy và đi rất chậm thì tôi lại có thể đứng hát trước đất trời ở đó. Tôi cảm nhận được năng lượng thấm vào mình. Lúc nhìn nhục thân của các vị thiền sư đã tồn tại hàng trăm năm, có một luồng điện chạy dọc sống lưng tôi.
Trở về Việt Nam, năng lượng trong tôi thay đổi. Tùng Dương của ngày trước lúc nào cũng trôi trong thế giới riêng của mình, mơ mơ màng màng.
Cái hồi hát Chạy trốn của Lê Minh Sơn trong cuộc thi Sao Mai điểm hẹn 20 năm trước ấy, tôi cứ là cực đoan, chỉ hát những gì mình thích. Hát cho bản thân mà không cần biết khán giả nghĩ gì.
Có sự kiện người ta trả nhiều tiền mà tôi lại rủ ông Ngọc Đại đi cùng và hát mấy bài lên đồng trong cái đĩa Nhật thực của ông ấy. Tôi vẫn nhớ nhiều khán giả đang ăn bỗng đực mặt không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cứ như bị điện giật ấy.
Nếu cứ như lúc đó, tôi vẫn mãi non nghề và cuối cùng sẽ mất hết khán giả.
Là nghệ sĩ, tôi khác biệt nhưng phải biết cái gì đúng và phù hợp. Nếu cứ mặc bộ đồ avant-garde đính lông bèo nhèo đầy người mà hát 1 bài nhạc đỏ ca ngợi là thiếu hiểu biết đấy!
Cho nên, sự cân bằng này đến rất đúng lúc, đến từ chính con người bên trong tôi.
Hiện tại, tôi được đi gặp gỡ, giao lưu và bồi đắp nhiều kiến thức mới. Tôi học được rất nhiều điều từ người trẻ, càng thâm niên càng phải học.
Tùng Dương bây giờ khác Tùng Dương ngày xưa ở chỗ hát cho mọi người, hát sao cho chạm đến càng nhiều trái tim chứ không hát cho mình nữa.