Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng ven biển Bạc Liêu quanh năm đầy nắng gió mặn mà. Tuổi thơ tôi từng trải qua những tháng ngày gian khó theo chân mẹ cha ra những bãi cát mang nặng phù sa, bắt từng loài hải sản để mưu sinh.
Có lẽ là người con vùng biển nên dù đã từng nếm qua bao loài hải sản phong phú, mang những hương vị riêng biệt nhưng cái vị ngọt ngào từ những con mực tươi rói được ngư dân đánh bắt bằng chiếc xiệp, vừa lên từ cửa biển mãi là món mực ngon nhất suốt tuổi thơ tôi cho đến tận bây giờ. Dẫu đi nơi đâu thưởng thức tôi vẫn không thể tìm được vị ngon tương tự.
Đối với ngư dân vùng ven biển Bạc Liêu quê tôi, đẩy xiệp là một trong những phương thức đánh bắt hải sản gần bờ không tốn chi phí đầu tư nhiều như những phương thức đánh bắt bằng tàu, ghe… Xiệp là một ngư cụ cổ truyền được làm bằng hai cây tre dài thẳng kết hợp lại thành một cái gọng hình chữ V tạo thành gọng tre. Trên gọng tre được mắc một tấm lưới dày giống như hình chiếc dù. Khi đẩy, các loài thủy sản như tôm, cá, mực… lọt vào lưới nhưng không thoát ra được.
Tuy đơn giản là vậy, nhưng để đánh bắt bằng chiếc xiệp thì người ngư dân phải bỏ công sức rất vất vả, nặng nhọc.
Tôi nhớ mãi thuở nhỏ, gia đình sống trong cảnh khốn khó. Dù rằng quanh năm sống hòa cùng từng cơn nắng gió từ biển, tôi vẫn không thể thích nghi được thời tiết mỗi khi trái gió trở trời. Thế là mỗi lần nằm lim dim kiệt sức vì cơn cảm do thời tiết, mẹ tôi thường ra cửa biển đón từng lượt ngư dân sau buổi đẩy xiệp trở về để mua được mớ mực tươi rói, nấu cháo cho tôi ăn giải cảm.
Những con mực được đánh bắt lẫn lộn với đám tôm cá nên đâu có số lượng nhiều, may mắn lắm cũng chỉ hơn chục con nhưng đổi lại là vị ngọt ngào, độ tươi ngon thì khỏi phải bàn cãi. Tô cháo mực nghi ngút khói rắc đầy hành lá, vừa thổi vừa húp, nhai kèm con mực thấm đẫm mắm ớt thì bao nhiêu mệt mỏi của cơn cảm cúm bỗng tan biến.
Hiện tại, nơi tôi ở, công trình nhà máy điện gió mọc khắp nơi trên những bãi biển nên việc đánh bắt từ những chiếc xiệp cũng hạn chế. Việc đón mua mực từ những gánh xiệp càng khó khăn hơn. Hiểu được điều đó, các hàng quán hải sản dọc khu bờ kè ra đời nhằm phục vụ những món hải sản tươi ngon nhất đến du khách trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt là những con mực từ chiếc xiệp tuy be bé nhưng độ tươi ngọt được xếp vào hạng nhất.
Một dịp khi thu xếp công việc rảnh rỗi, tôi cùng mẹ và người thân ra cửa biển quê nhà thưởng thức hải sản địa phương. Chợt lòng như vỡ òa niềm hạnh phúc khi thấy dáng những bác ngư dân nặng gánh chiếc xiệp trên vai. Tôi hân hoan vì lại được mua những con mực tươi rói, mình trắng phau trong chiếc xiệp.
Có lẽ khách du lịch cũng cảm nhận được vị tươi ngon đặc trưng của những con mực từ gánh xiệp gần bờ nên hễ khi có dáng ngư dân lên đến là họ đón mua hết, đưa sang, mướn các hàng quán ven khu bờ kè làm ra món ngon hấp dẫn.
Món ngon từ mực ở vùng biển Bạc Liêu quê tôi thì có vô số cách chế biến từ giản đơn đến cầu kì. Nổi bật là món mực nhúng lẩu mắm thoảng nồng hương vị miền Tây Nam Bộ, hay lẩu mực nhúng giấm ăn kèm các loại rau đặc trưng của địa phương như bông so đũa, kèo nèo… Ai không thích cầu kỳ thì có thể gọi một bếp than rực lửa rồi xếp những con mực còn cọ mình nhè nhẹ, tươi xanh lên nướng mọi, để thưởng thức hết vị ngọt tự nhiên.
Còn riêng tôi, buổi chiều cùng người thân ngồi dọc bờ kè, thưởng thức tô cháo mực vừa nấu nóng hổi, ăn dưới làn gió mát lạnh từ cửa biển thổi về lại nhớ da diết thời tuổi thơ gian khó. Khi húp cạn tô cháo, ngỡ bao mệt mỏi của cuộc sống được đẩy lùi, cơ thể sảng khoái như hồi phục sinh lực để sẵn sàng cho công việc thường nhật.
Tôi đưa mắt dõi ra xa phía bãi bờ đang hứng trọn từng đợt sóng chở nặng phù sa, nhìn dáng bao người ngư dân cần mẫn thấm đẫm giọt mồ hôi từ những gánh mực, chợt lòng thấy trân quý một loài hải sản của mảnh đất quê hương. Nó như mang cả khát vọng vươn xa của sự trở mình phát triển du lịch biển địa phương, để con mực dân dã thời nghèo khó thuở nào giờ đây đã có mặt đầy giá trị trên thực đơn của các nhà hàng, quán ăn sang trọng.
Bài viết từ độc giả Phan Thanh Cẩm Giang, Bạc Liêu
Theo bạn, mực ở địa phương nào ngon nhất Việt Nam? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về email dulich@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải trên báo VietNamNet theo qui định toà soạn.