Theo hãng tin RT, hôm 5/3, người đứng đầu Lầu Năm Góc nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn ngành công nghiệp quốc phòng nhất là trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn.
Ông Austin tuyên bố sự hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Kiev không chỉ "cứu mạng", và giúp Ukraine tiếp tục chiến đấu, mà còn củng cố nền kinh tế Mỹ.
“Những khoản đầu tư này đã mở rộng cơ sở vật chất, và tạo công ăn việc làm cho người lao động Mỹ. Vũ khí mà chúng tôi gửi đến Ukraine để giúp tự vệ đều được sản xuất tại Mỹ, và do các công nhân từ bang Texas, Ohio và Arizona làm”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói thêm.
Cũng theo ông Austin, xung đột ở Ukraine đã nêu bật sự cần thiết cải thiện sản xuất quân sự. Ông đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ thông qua gói viện trợ bổ sung trị giá 60 tỷ USD cho Kiev.
Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Mỹ là nước hỗ trợ quân sự chính cho Ukraine với tổng số tiền là 70 tỷ USD. Trong đó, Washington đã cung cấp cho Kiev số vũ khí trị giá khoảng 45 tỷ USD kể từ tháng 1/2022 – 1/2024. Nhiều báo cáo cho rằng, việc Mỹ thúc đẩy trang bị vũ khí cho Ukraine đã gây ra tình trạng căng thẳng đáng kể cho kho dự trữ của nước này.
Cuộc thăm dò vào tháng 12/2023 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, 31% người Mỹ tin rằng Mỹ đang hỗ trợ quá nhiều cho Ukraine, trong khi 29% nhận định mức hỗ trợ hiện tại là vừa phải.
Trong khi đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo các chuyến hàng cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài xung đột.