Tháng 7 là tháng của kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ. Lịch sử là môn học có lợi thế nhất trong các môn học khoa học xã hội trong việc chuyển tải những thông điệp. Nhiệm vụ của các thầy cô dạy Sử chúng tôi là chuyển tải những thông điệp đó.
Những con số biết nói
Trong tiến trình lịch sử của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới, có lẽ không có quốc gia nào lại phải đối mặt, phải chiến đấu và chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược với thời gian, mật độ, mức độ như Việt Nam. Và có lẽ cũng không ở đâu như Việt Nam, để có nền độc lập cho dân tộc, để thống nhất non sông, để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, rất nhiều giọt mồ hôi đã rơi, nhiều máu đã đổ.
Chỉ cần thống kê 2 con số về nghĩa trang liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ hiểu sâu sắc giá trị của độc lập dân tộc.
Hình ảnh mẹ Thứ bên mâm cơm đợi con được Đại tá Trần Hồng ghi lại |
Theo thông tin từ Bộ LĐ-TB-XH, cả nước hiện nay có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ, trên 3.000 các công trình ghi công liệt sĩ, gần 200.000 hài cốt chưa được quy tập và gần 300.000 hài cốt đã được quy tập nhưng chưa đầy đủ thông tin về các anh, chưa xác định được danh tính, tên tuổi, quê quán, đơn vị. Tên các anh được ghi trên các tấm bia của mộ chí là Liệt sĩ chưa biết tên.
Việt Nam có nhiều nghĩa trang cấp quốc gia như nghĩa trang A1 (Điện Biên), nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9 (Quảng Trị), nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang)…
Đến nay, Đảng và Nhà nước đã phong tặng và truy tặng 139.275 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (số liệu năm 2020), trong đó có 4.962 mẹ còn sống. Quảng Nam là tỉnh có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất cả nước với 15.261 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tiếp sau đó là Bến Tre, Quảng Ngãi, Hà Nội...
Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam có chồng, 9 con đẻ, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ. Mẹ Lê Thị Tự ở Quảng Nam có 9 con là liệt sĩ. Mẹ Trần Thị Mít ở Quảng Trị có chồng, 6 con đẻ, 1 con dâu, 1 cháu nội là liệt sĩ.
Tháng 7 là tháng của tưởng nhớ và tri ân. Càng gần đến kỷ niệm 74 năm Ngày thương binh liệt sĩ, hơn ai hết những giáo viên Sử chúng tôi càng thấu hiểu trách nhiệm của mình trong việc giáo dục cho các thế hệ học sinh của mình những giá trị đích thực của lịch sử.
‘Mùi’ chiến tranh chỉ còn phảng phất
Thế hệ học trò ngày nay đều sinh ra và lớn lên khi đất nước hoà bình, “mùi” của chiến tranh chỉ còn phảng phất qua những bài học lịch sử trong sách giáo khoa. Các em đã thật sự được ấm no, hạnh phúc để hưởng thụ thành quả của đất nước.
Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào ở nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, tỉnh Quảng Trị, tháng 5/2020. Ảnh: Tiến Nhật |
Thế hệ trẻ các em đừng hững hờ khi đi qua các nghĩa trang liệt sĩ, đừng vô tâm trước các đài tưởng niệm, đừng vô cảm với những nỗi đau thương, mất mát của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Các em hãy ngẩng cao đầu khi tự hào nhìn lên lá cờ Tổ quốc trong lễ chào cờ trong âm hưởng bài “Tiến quân ca” ngân lên, hãy cúi đầu và dành phút nghiêm trang để tưởng nhớ, tưởng niệm những người đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu và hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc. Và khi các em cùng hát bài “Tiến quân ca”, cần hiểu sâu sắc tại sao nhạc sỹ Văn Cao lại viết “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”.
Từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam đến chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, từ đường Trường Sơn trên đất liền (đường mòn Hồ Chí Minh) đến “đường Trường Sơn trên biển”, từ Trường Sơn đến Trường Sa, từ ngã ba Truông Bồn đến ngã ba Đồng Lộc... tất cả đều làm nên những tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ.
Còn rất nhiều liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy hài cốt. Thân thể của họ vẫn còn nằm đâu đó ở các chiến trường Lào, Campuchia, lẩn khuất trong những khu rừng già, vách đá, thung lũng, nằm lạnh lẽo ở đáy sông, biển đảo. Đó cũng là nỗi day dứt khôn nguôi của đồng đội, của gia đình và tất cả chúng ta.
Giữ lửa thế hệ trẻ thời bình
Cứ đến dịp tháng 7, rất nhiều đoàn cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và tổ chức đoàn thể hành hương về các chiến trường xưa. Nén tâm hương, vòng hoa đỏ và nhiều tiếng nấc nghẹn ngào của những người lính già và người thân chốn nghĩa trang, đài tưởng niệm.
Đó là đạo lý, là lẽ sống của những người còn lại sau cuộc chiến. Những cựu chiến binh đó đã tình nguyện chắt chiu thời gian, quyên góp tiền của và sức lực để miệt mài đi tìm đồng đội.
Điều quan trọng hơn là không chỉ đến dịp 27/7 chúng ta mới tưởng nhớ và tri ân. Mỗi cơ quan, doanh nghiệp hay cá nhân đều có thể đền ơn, đáp nghĩa, chắt chiu công sức, nguồn lực để tạo nên những quỹ nghĩa tình tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, đặc biệt là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Đây là việc làm thiết thực nhất, ý nghĩa nhất của sự đền ơn, đáp nghĩa. Thế hệ trẻ thời bình hiểu rõ điều này và đang làm những gì có thể để tiếp nối ngọn lửa tri ân. Đó mới chính là ngọn nến luôn lung linh trong đêm.
Trần Trung Hiếu
Xác minh danh tính liệt sĩ: Ngân hàng ADN và hành trình không ngừng nghỉ
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mới đây nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, khẩn trương thành lập ngân hàng ADN các hài cốt liệt sĩ và thân nhân.