Tôi nhớ bạn, miệng có cái răng khểnh và rất hay cười. Thi thoảng chúng tôi ngồi café nói vài chuyện đời thường. Bạn ít nói lắm nhưng trên khuôn mặt lúc nào cũng vui vẻ và nhìn về mọi thứ với nguồn năng lượng tích cực.

Lúc Sài Gòn bùng dịch, chúng tôi thường gọi điện hỏi thăm nhau, mục đích cũng là kiểm tra nhau có còn tồn tại trước dịch bệnh hay không. Bạn nói rằng cứ yên tâm dịch bệnh sẽ qua nhanh thôi và còn nhiều việc phải làm ở phía trước.

Một ngày tháng 9, tôi gọi, máy bên kia chuông vẫn đổ nhưng không thấy ai bắt máy. Ngày hôm sau tôi tiếp tục gọi thì máy không liên lạc được.

Tôi lên trang cá nhân của bạn, mọi tương tác như dừng lại. Nửa ngày sau thì thấy tới tấp những bình luận mong bạn siêu thoát, những dòng chia sẻ đầy nhớ thương của những người ở lại.

Vậy là bạn tôi cũng như hàng nghìn người dân Sài Gòn, đã phải dừng cuộc đời lại bởi Covid-19, ra đi trong quạnh quẽ.

{keywords}
Người đàn ông ở TP HCM ôm kỷ vật của người nhà mất vì Covid-19 (ảnh: Trương Thanh Tùng)

Sáng nay, các trang báo đã đồng loạt thay nền đen. Hai chữ “đồng bào” một lần nữa được nhắc đến đồng loạt, đi kèm theo là một nỗi đau lớn mà nhắc đến nỗi đau này, mình như thấy khó thở.

Những ngày tháng cao điểm dịch bệnh, tôi lái xe đi cứu trợ. Bạn cứ nghĩ mỗi ngày chạy xe giữa những đường phố vắng tanh, mà xe cộ nhiều nhất trên đường là xe cấp cứu và thi thoảng là những chiếc xe tang.

Đâu đó trong các ngõ hẻm, là tiếng máy niệm Phật khắc khoải. Những cái chết chưa bao giờ đau đến thế. Những sự ra đi quạnh quẽ đơn độc đến mức không có người thân bên cạnh mà ngày về là hũ tro và một vài kỷ vật nhỏ nhỏ.

Không thể nói hết những đau khổ của thành phố những ngày tháng đó, mà mỗi lần nghĩ đến, tôi vẫn thấy rùng mình.

Chưa bao giờ hai từ “vô thường” được nói ra một cách đầy nghiệt ngã ở thành phố này, như những ngày tháng vừa qua.

Qua dịch được gặp lại và chào nhau, chúng ta hiểu một điều là, chúng ta đang sống tiếp một phần cuộc sống cho những người kém may mắn hơn chúng ta sau đại dịch.

Lại công cuộc mưu sinh, lại sản sinh ra những giá trị vật chất, tinh thần để tiếp tục thấy mình không vô nghĩa trước cái may mắn được sống này, dù những khó khăn của những bước đường tiếp theo, hơn mức mà chúng ta tưởng.

Người với người vẫn còn ác và nhẫn tâm với nhau lắm. Có nhiều ồn ào khó hiểu và cả sự im lặng cũng vô cùng khó hiểu.

Biết bao vấn đề sau một quốc gia đại dịch cũng cần phải suy nghĩ: khủng hoảng lao động, giá cả thì tăng phi mã, đồng tiền giảm giá trị. Mọi thứ không dễ dàng trên bước đường tái thiết cuộc sống của những người sống tiếp.

Dù tự bảo nhau rằng, cuộc sống dễ dàng thôi, chúng ta đủ bản lĩnh để vượt khó và tâm hướng về những điều tích cực, nhưng cái sự gập ghềnh của chặng đường phía trước không thể là thứ chúng ta không suy nghĩ. Và, cũng không thể là thứ những người tạo dựng các chính sách an sinh không suy nghĩ.

Động viên nhau vượt qua đại dịch, không chỉ là vượt qua sự nghiệt ngã của định mệnh để được sống, mà vượt qua muôn vàn thử thách khó khăn của chặng hành trình sống tiếp theo.

Và trên hành trình ấy, dù khó khăn như thế nào, chúng ta cũng đừng đánh mất tình người...

Hoàng Nguyên Vũ (Thành phố Hồ Chí Minh) 

Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do Covid-19

Tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do Covid-19

Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh do Covid-19 được tổ chức vào 19h ngày 19/11 tại Hà Nội và TP.HCM. Thể hiện sự chia sẻ của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam trước những mất mát, đau thương do đại dịch Covid-19 gây ra