Tuyến đường ven biển kết nối Khánh Hòa và Ninh Thuận được kỳ vọng tạo ra trục phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hai tỉnh đang triển khai đề án sáp nhập.
Tại Nghị quyết 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa 13, Trung ương dự kiến hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa, lấy tên là tỉnh Khánh Hòa, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hoà hiện nay.
Khánh Hòa và Ninh Thuận nằm giáp ranh, được kết nối qua quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam và đặc biệt tuyến đường ven biển dài khoảng 120km đã hình thành.
Quá trình di chuyển từ trung tâm TP Nha Trang đến Ninh Thuận sẽ qua đường Nguyễn Tất Thành xuyên đèo Cù Hin. Đây là một trong những cung đường đẹp tại Khánh Hòa, với nhiều khúc cua, xung quanh được bao bọc bởi đồi núi và biển.
Điểm nhấn trên tuyến đường nối hai địa phương là không gian du lịch Bãi Dài với hệ thống khu nghỉ dưỡng, khách sạn.
Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh ở Khánh Hòa với hàng chục chuyến bay nội địa và quốc tế mỗi ngày góp phần mở ra triển vọng phát triển kinh tế - xã hội cho Khánh Hòa và Ninh Thuận nói riêng, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói chung.
Đường Nguyễn Tất Thành đoạn qua sân bay Cam Ranh được đầu tư gần 100 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng mặt đường 16m, dải phân cách rộng 8m, 2 bên lề rộng 12m. Mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Cung đường ven biển nối liền hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, theo lối tỉnh lộ DT702 đi qua những địa danh nổi tiếng như Vườn quốc gia Núi Chúa và hàng loạt bãi biển hoang sơ.
Con đường trải nhựa, băng qua nhiều dãy núi, đồi đá phủ và một bên là bờ biển sóng vỗ dạt dào.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, tuyến đường ven biển đã góp phần khai thác các tiềm năng, lợi thế vùng biển và ven biển tỉnh, nhất là về du lịch.
Cung đường ven biển của tỉnh Ninh Thuận nhìn trên cao
Vùng được quy hoạch xây nhà máy điện hạt nhân 2 tại thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) trên diện tích rộng 380ha.
Mới đây, ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chia sẻ với P.V VietNamNet, trong bối cảnh hiện nay, việc sáp nhập các tỉnh là chủ trương đúng đắn. Khánh Hòa có lợi thế về hạ tầng giao thông, kinh tế biển, hệ thống sân bay quốc tế và sở hữu các vịnh với cảng biển nước sâu,...
Ninh Thuận nằm ở phía Nam của Khánh Hòa, có chung lợi thế đường ven biển kéo dài, được xây dựng đầu tư bài bản. Đây cũng là tỉnh được xem là “thủ phủ” của năng lượng tái tạo, đặc biệt vừa qua, 2 nhà máy điện hạt nhân được tái khởi động.
Toàn cảnh vịnh Vĩnh Hy nhìn từ trên cao, đây được coi là một trong bốn vịnh biển đẹp của cả nước.
Khánh Hòa có diện tích 5.137km2, dân số trên 1,2 triệu người. GRDP của địa phương năm 2024 là 128.760 tỷ đồng, tăng 10,16%.
Ninh Thuận có diện tích 3.358km2, dân số 598.683 người. Năm 2024, GRDP của Ninh Thuận là 60.161 tỷ đồng, tăng 8,74%.
Ngày 16/4, chia sẻ với PV VietNamNet, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, mới đây, ông cùng một số cán bộ sở ngành của tỉnh đã làm việc với tỉnh Ninh Thuận để trao đổi, thống nhất về bộ máy tổ chức, trụ sở hành chính và định hướng phát triển Trường Sa trở thành đặc khu biển đảo.
Trong cuộc họp thảo luận một số nội dung phối hợp xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập hai tỉnh, lộ trình thực hiện; sắp xếp trụ sở làm việc, tài sản công, chế độ hỗ trợ cán bộ.
Theo phương án sáp nhập, trung tâm hành chính sẽ đặt tại Khánh Hòa. Lãnh đạo hai tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch bố trí phương tiện, tạo điều kiện để cán bộ chủ động thời gian di chuyển, bảo đảm công việc không bị gián đoạn.
Việc không tổ chức cấp huyện không đồng nghĩa với sự biến mất của các đô thị. Trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính, giữ nguyên danh xưng và vai trò của đô thị là cần thiết để đảm bảo sự phát triển ổn định.