Mới đây, tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch về Phát triển Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển HTX NN trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Mục đích nhằm tăng cường sự thống nhất trong công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các sở, ngành liên quan và địa phương, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ phát triển HTX tổ chức và hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững, phù hợp với từng địa phương nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh đề ra. Đây là là một trong các giải pháp để thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 100% số HTX hoạt động theo quy định của Luật HTX. Số lượng HTX NN hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên; mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất 01 HTX NN điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia, doanh thu bình quân/HTX NN đạt từ 05 tỷ đồng/năm trở lên; mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các HTX NN; vận động từ 40% tổng số hộ nông, lâm, ngư nghiệp tham gia thành viên HTX NN; có khoảng 30% HTX NN có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có trên 70 HTX NN ứng dụng công nghệ cao.
Có khoảng 30% cán bộ quản lý HTX NN được đào tạo nghề giám đốc HTX NN theo chương trình đào tạo; ưu tiên đào tạo lực lượng cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia quản lý, điều hành HTX NN; hình thành mạng lưới khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng, các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX NN.
UBND tỉnh giao Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, thời gian hoàn thành; cụ thể hóa thành kế hoạch công tác hằng năm, phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể đảm bảo hiệu quả.
Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện Kế hoạch; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, ông Cao Hùng Dũng khẳng định, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, tích cực đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao vai trò tư vấn, hướng dẫn cho HTX; cung ứng các dịch vụ cho HTX và liên kết với các đơn vị sử dụng nền tảng mạng xã hội, giúp hàng hóa của HTX tiếp cận đa dạng thị trường. Đồng thời, xây dựng các chương trình hoạt động đáp ứng yêu cầu của HTX, tạo niềm tin, chỗ dựa vững cho cho các HTX phát triển.
Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin về thị trường; hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ triển lãm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước, trong đó chú trọng sản phẩm nông nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm truyền thống của địa phương có thế mạnh; tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm giúp HTXNN tìm kiếm và mở rộng thị trường, kết nối cung cầu nông sản với các thành phố lớn và hệ thống các siêu thị, chợ nông sản, chợ thương mại điện tử... tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài