Cần thực tế…
Đánh giá một cách công bằng, thất bại trước tuyển Trung Quốc không có gì đáng phải buồn nhất là khi đây chỉ là trận giao hữu thử nghiệm đội hình, lối chơi của tuyển Việt Nam.
Nói như thế không có nghĩa bào chữa cho những sai lầm, chiếc thẻ đỏ từ Tiến Linh hay lối chơi chưa hiệu quả như mong đợi đối với đoàn quân của HLV Philippe Troussier… Nhưng tất cả nên hiểu tuyển Việt Nam đang ở đâu, có gì vào lúc này hay vừa xảy ra ở trận thua trước tuyển Trung Quốc.
Có thể thấy, tuyển Việt Nam không có lực lượng mạnh nhất ở trận đấu trên. Thay vào đó, ông Troussier tận dụng tối đa những thử nghiệm dành cho các cầu thủ trẻ… đó là thực tế cần nhìn nhận.
Không chỉ vậy, người hâm mộ cũng nên hiểu rằng dù những năm qua bóng đá Việt Nam phần nào có thành tích ở các cấp độ từ trẻ tới ĐTQG, nhưng mạnh thực sự ở châu lục hay vô đối tại khu vực thì chắc chắn là chưa.
Tất cả thành tích từng có như tứ kết Asian Cup 2019, vòng loại thứ 3 World Cup 2022… thực tế đến lúc này vẫn là kỳ tích. Cùng lúc, ở 2 kỳ AFF Cup gần nhất tuyển Việt Nam chấp nhận nhìn Thái Lan vô địch, dù được dẫn dắt bởi tượng đài trong lòng người hâm mộ là ông Park Hang Seo.
Nói những điều trên để hiểu rằng tuyển Việt Nam chưa là gì dù 5 năm dưới thời chiến lược gia người Hàn Quốc được coi thăng hoa, nhiều chiến tích nhất trong lịch sử.
... đến câu chuyện chữ Nhẫn
Quay trở lại với tuyển Việt Nam hiện tại, sau 4 trận dưới thời HLV Philippe Troussier vẫn còn quá nhiều điều để “chê” về chuyên môn như lối chơi thiếu hiệu quả, hàng phòng ngự chưa được chắc chắn…
Nhưng không thể phủ nhận thuyền trưởng người Pháp đang thổi vào cho tuyển Việt Nam luồng gió mới về phong cách, tư duy chiến thuật… khá hiện đại với khả năng kiểm soát bóng tốt hơn so với trước đây.
Khát vọng mà ông Philippe Troussier mang đến cho tuyển Việt Nam là lối chơi tấn công hoặc ít nhất không quá lép vế khi gặp các đội bóng mạnh dựa trên khả năng kiểm soát bóng, điều này khác với sự “nhẫn nhịn” hay toan tính dưới thời HLV Park Hang Seo.
Thay đổi tư duy chơi bóng chắc chắn không phải ngày một ngày hai, nhất là khi ở V-League số lượng các CLB chơi cống hiến, tấn công đẹp mắt, hiệu quả… quá ít với chỉ một vài cái tên như Hà Nội FC, Hải Phòng, Viettel hoặc CAHN.
Rồi sự hiệu quả của hàng công cũng chẳng đơn giản nếu nhìn vào việc hầu hết các CLB dựa vào sức mạnh từ ngoại binh hơn là trọng dụng tiền đạo nội… để cần nhẫn nại hơn với ông thầy người Pháp trong việc thay đổi cách chơi cho bóng đá Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam muốn vươn tầm bắt buộc phải trẻ hoá, hoặc lượng lượng đủ dày, xuyên suốt nên khi ông Philippe Troussier sẵn sàng cho tới 4-5 cầu thủ dưới hoặc nhỉnh hơn 20 tuổi vào sân (như ở trận gặp Trung Quốc) cũng đáng để nhẫn nại với thuyền trưởng người Pháp.
Tất nhiên, sự nhẫn nại bao giờ cũng có giới hạn nên ông Philippe Troussier lẫn tuyển Việt Nam cần cho thấy khác biệt, tốt hơn khi thời gian là không nhiều.