Thầy nội tốt
Sau hơn 20 năm chuyển dịch từ cơ chế bao cấp, bán chuyên lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam có những bước tiến nhất định, gặt hái khá nhiều thành công từ điều hành, truyền thông…
Song song với sự phát triển nói trên, chất lượng của các HLV Việt Nam cũng thay đổi và bắt kịp xu thế chung. Có nghĩa, bên cạnh tài năng còn đảm bảo về bằng cấp theo yêu cầu từ FIFA, AFC…
Những chiến lược gia lão làng vì lý do tuổi tác dần lui về phía sau nhường chỗ cho những đồng nghiệp trẻ, năng nổ hơn tiến lên. Và tới lúc này, bóng đá Việt Nam đang sở hữu số lượng các HLV trẻ đầy đủ năng lực, bằng cấp để dẫn dắt tuyển Việt Nam hay CLB tham dự những giải đấu do AFC hay FIFA tổ chức.
Cũng chính vì đủ điều kiện cầm quân tối thiểu theo yêu cầu từ FIFA, AFC… cùng năng lực đã được chứng minh nên khi ông Troussier nói lời chia tay tuyển Việt Nam, rất nhiều đề xuất muốn các HLV nội lên nắm quyền thay cho chiến lược gia người Pháp.
Đề xuất nói trên bên cạnh việc một HLV nội nắm quyền tuyển Việt Nam sẽ giảm bớt gánh nặng tiền lương còn có nguyên nhân tới từ chuyện những ông Hoàng Anh Tuấn, Chu Đình Nghiêm, Trần Minh Chiến… hoàn toàn đủ sức dẫn dắt về chuyên môn sau những gì từng thể hiện.
Vì đâu vẫn khó?
HLV Hoàng Anh Tuấn vừa được bổ nhiệm thay ông Troussier dẫn dắt U23 Việt Nam tham dự VCK U23 châu Á tại Qatar.
Quyết định này từ VFF là hợp lý, bởi chiến lược gia người Khánh Hoà có đủ kinh nghiệm, năng lực cầm quân và cũng từng mang về nhiều chiến tích rất lớn cho bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên, cơ hội để HLV Hoàng Anh Tuấn hay những đồng nghiệp nội khác ngồi vào ghế nóng ở tuyển Việt Nam là không cao. Điều này xuất phát từ việc hàng loạt trường hợp thất bại nặng nề hay ít thành công trong quá khứ.
Vì đâu các HLV nội không có duyên với tuyển Việt Nam, dù hội đủ tương đối nhiều yếu tố về chuyên môn tới cả tâm lý… là câu hỏi chẳng dễ có lời đáp
Nhưng, nhìn từ thất bại gần nhất của HLV Nguyễn Hữu Thắng khi dẫn dắt bóng đá Việt Nam (bao gồm U23 và ĐTQG) giai đoạn 2016-2017 thì phần nào cho câu trả lời.
Cụ thể, cựu danh thủ người xứ Nghệ dường như không vượt qua được yếu tố tình cảm và dùng nhiều học trò quen thuộc, hay mang tính địa phương quá cao vào tuyển Việt Nam nên sớm chia tay ngay khi thất bại tại SEA Games 2017.
Tất nhiên, trường hợp của HLV Nguyễn Hữu Thắng không đại diện cho số đông hay phần còn lại, nhưng ít nhiều cũng khiến VFF dè dặt trong vấn đề chọn thuyền trưởng cho tuyển Việt Nam sau này.
Chính bởi vậy, khả năng VFF sẽ lựa chọn một HLV ngoại có thể đến từ các nền bóng đá phát triển ở châu lục như Nhật Bản chẳng hạn thay vì đặt niềm tin với nhà cầm quân nội ở cấp độ ĐTQG.