Từ tháng 6 đến tháng 8 dương lịch thường là thời gian dế rừng phát triển nhiều nhất trong năm. Đến hẹn, người dân tại nhiều địa phương của Nghệ An lại vào rừng đi săn dế vừa để cải thiện bữa ăn, cũng như tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Dế rừng có đặc điểm giống dế mèn nhưng có râu và chân dài hơn, đặc biệt, hai càng sau có gai sắc nhọn.
Dế rừng thường làm tổ ở các hốc cây rỗng ruột, tổ mối... thức ăn chính của loài này là côn trùng và cây cỏ.
Vì dế rừng sống ở các hốc cây, tổ mối trong rừng nên muốn bắt được chúng không hề đơn giản. Bí quyết của các thợ săn là dùng màn bịt phía ngoài miệng tổ, sau đó sử dụng gậy đánh mạnh vào thân cây để thúc dế chui ra.
Ông Hà Văn Phúc (60 tuổi, trú ở, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) chia sẻ: "Mấy hôm thời tiết mát mẻ tôi tranh thủ đi săn dế rừng đem bán kiếm tiền. Mỗi ngày bắt dế rừng tôi bán được khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Mặc dù đây là công việc gặp không ít nguy hiểm nhưng chịu khó sẽ có thêm thu nhập".
Hiện tại, dế rừng có giá 300.000 - 350.000 đồng/kg loại to, 200.000 - 250.000 đồng/kg loại nhỏ.
Theo anh Hà Ngọc Thủy, ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, trung bình mỗi ngày anh đi "săn" được khoảng 10-12kg dế rừng. Với giá bán dao động từ 250.000-300.000 đồng, anh kiếm được hơn 2 triệu đồng. So với công việc khác thì nghề đi bắt dế rừng không đơn giản, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, kỹ năng.
Sau một ngày lao động vất vả, người dân gánh sản phẩm về bán cho thương lái. Dù chỉ là công việc thời vụ nhưng nghề này mang lại nguồn thu nhập tốt cho người dân.
Chị Hà Thị Tình, tiểu thương ở xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn cho biết, trung bình mỗi ngày chị bán ra thị trường khoảng 50-70kg dế rừng. Dế rừng được xem là đặc sản nên khách hàng rất ưa chuộng.
Dế rừng sau khi bắt về được rửa sạch sẽ rồi rút phần ruột ra, sau đó rang sả ớt hoặc lá chanh làm món nhậu rất hấp dẫn...
(Theo Dân Trí)
Chủ đề: