Các hãng điện thoại bắt đầu chuyển hướng sang hãng sản xuất chip khác, trong khi các nhà bán lẻ tích cực lưu kho các mẫu TV bán chạy do dự báo giá tăng.
Vivo vừa tung ra thị trường chiếc V21 5G ở phân khúc trung cấp. Phân khúc này thường được các hãng kỳ vọng về số lượng bán ra lẫn doanh thu mang về, do đó sản phẩm được đầu tư kỹ về nhiều mặt. Bên cạnh những tính năng đủ thu hút giới trẻ, chiếc smartphone sử dụng chip mới của MediaTek, MediaTek Dimensity 800U.
Nhiều smartphone bán tại Việt Nam sắp tới sẽ chuyển sang dùng chip MediaTek. (Ảnh: Hải Đăng) |
Thông thường, ở phân khúc 8-10 triệu trở lên, người dùng bắt đầu chú ý bộ xử lý của smartphone. Nếu sản phẩm được trang bị bộ xử lý Snapdragon của Qualcomm thì sẽ cạnh tranh hơn so với chip MediaTek. Các hãng hiểu điều này và đôi lúc sẽ nhấn mạnh sản phẩm dùng bộ xử lý của Qualcomm như một lợi thế của điện thoại.
Tuy nhiên trong ngắn hạn sắp tới, thị trường smartphone Việt Nam ở phân khúc tầm trung sẽ chứng kiến sự dịch chuyển sang sử dụng chip MediaTek nhiều hơn, do chip Snapdragon gặp tình trạng khan hiếm.
Hai hãng điện thoại trong top 5 tại Việt Nam xác nhận với ICTnews xu hướng sắp tới smartphone bán trong nước sẽ sử dụng bộ xử lý từ hãng chip của Đài Loan. MediaTek vốn được trang bị nhiều trên smartphone tầm giá bình dân, nay có cơ hội lớn để lên những smartphone cao cấp hơn.
Chuyên gia sản phẩm của một hãng smartphone đánh giá chip MediaTek gần đây đã mạnh mẽ hơn, tương thích tốt hơn với các phần mềm, được nhiều hãng chọn sử dụng hơn. Chẳng hạn các bộ xử lý dòng G được đánh giá tốt, hay dòng Dimensity sắp tới cũng được dùng nhiều. Có dòng chip sẽ hỗ trợ cả hai SIM kết nối 5G cùng lúc để tối đa hiệu năng.
Mặc dù khan hiếm chip nhưng các hãng đều cho biết, giá smartphone trong ngắn hạn sẽ không thay đổi.
Ở lĩnh vực laptop, theo FPT Shop, sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hàng hay tăng giá liên quan nguồn cung vi xử lý. Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc ngành hàng Viễn thông di động, cho biết hàng hoá, đặc biệt laptop, được chuỗi này làm việc với hãng hay nhà phân phối trước hàng quý để hàng về liên tục theo tháng.
“Các sản phẩm chủ chốt được nhập sẵn trong kho đảm bảo 30-45 ngày bán hàng để luôn có đủ hàng phục vụ khách hàng trong khi đợi lô hàng mới về”, ông Kha khẳng định.
Tuy nhiên, vị đại diện FPT Shop thừa nhận nhóm laptop giá dưới 16 triệu đồng có nhu cầu lớn nên hàng hoá có thời điểm không về kịp với nhu cầu tăng đột biến.
Tuỳ quy mô chuỗi và cảm quan của từng nhà bán lẻ mà lượng hàng lưu kho sẽ khác nhau. Khác với FPT Shop, phía CellphoneS cho biết gần đây tình trạng thiếu hàng ngày càng trầm trọng và các sản phẩm mới liên tục báo thiếu hàng, tăng giá hoặc thậm chí hết mẫu.
Dự báo tình trạng khan hàng có thể kéo dài, phía Thế Giới Di Động đang cân nhắc mua thêm hàng để lưu kho nhiều hơn.
Trong buổi họp đại hội cổ đông hồi tuần trước, ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, cho hay đang xem xét mua thêm hàng để vào kho trong bối cảnh chip thiếu hụt, năng lực sản xuất gặp vấn đề do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Khoảng 5-7 năm trước giá TV rất dễ giảm sau khoảng một thời gian ra mắt, tuy nhiên vài năm qua giá TV không còn giảm mạnh, thậm chí còn tăng, do đó ông Tài dự báo sắp tới người dùng có khi phải trả nhiều hơn khi mua đồ công nghệ.
“Tôi đang đề nghị bên mua hàng cân nhắc mua hết các mẫu TV bán chạy để dành. Giá trong ngắn hạn sắp tới chỉ có thể đi lên”, ông Nguyễn Đức Tài khẳng định.
Hải Đăng
Nhà sản xuất Đài Loan báo lãi khủng nhờ tình trạng khan hiếm chip toàn cầu
Những xích mích thương mại quốc tế chồng chất bởi dịch Covid-19, chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu ngày càng bị ảnh hưởng, và cuộc khủng hoảng "thiếu chip" đã lan sang nhiều ngành.