Theo đó, tổng vốn đầu tư điều chỉnh của dự án là 1,25 tỷ USD, tương đương 31.240 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 10.920 tỷ đồng, vốn vay là 16.379 tỷ đồng (tương đương 659 triệu USD). Dự kiến dự án đưa vào vận hành quý I/2028.
Con số này thấp hơn mức dự toán ban đầu được chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 12/2014. Thời điểm đó, tổng mức đầu tư dự toán là 1,81 tỷ USD, với dự kiến vận hành năm 2022.
Theo đăng ký của nhà đầu tư, nội dung điều chỉnh duy nhất của mục tiêu đầu tư là thay thế mục tiêu nâng công suất của nhà máy từ 148.000 thùng/ngày lên 192.000 thùng/ngày thành nâng công suất của nhà máy từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày.
Theo giải trình của nhà đầu tư, một số nguyên nhân như nguồn vốn đầu tư, nguồn nguyên liệu đầu vào có sự thay đổi, giá gói thầu EPC tăng làm cho tổng mức đầu tăng dẫn tới việc đầu tư không hiệu quả nên phải thay đổi phương án đầu tư.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án điều chỉnh, giai đoạn 2021-2025 có nhu cầu sử dụng 66 triệu USD (1.641 tỷ đồng) vốn chủ sở hữu để đầu tư các dự án, hạng mục khác. Theo các số liệu này, nhu cầu vốn chủ sở hữu giai đoạn 2021-2025 của Nhà máy khoảng 12.561 tỷ đồng.
Tại báo cáo ngày 20/12/2022, Công ty Bình Sơn dự kiến giai đoạn 2021-2025 sẽ tích lũy được khoảng 22.965 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối để đầu tư.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng đây mới chỉ là số liệu giả định, chưa có cơ sở đánh giá tính khả thi.
Mặt khác việc sử dụng lợi nhuận chưa phân phối phải được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền (Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Công ty Bình Sơn có nội dung: thông qua Tờ trình về các nội dung liên quan đến dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhưng không có nội dung cụ thể).
Đánh giá khả năng huy động vốn vay 659 triệu USD, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng trường hợp đáp ứng yêu cầu của các ngân hàng và các ngân hàng thực hiện theo đúng cam kết thì Công ty Bình Sơn có thể sẽ vay được từ 575-675 triệu USD.
Đánh giá việc đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất là cấp thiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo Công ty Bình Sơn tổ chức lựa chọn nhà thầu thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án điều chỉnh. Đặc biệt là thẩm tra sơ bộ tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh làm cơ sở để Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Trường hợp do yêu cầu gấp về tiến độ triển khai Dự án và để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, trong đó ghi nhận sơ bộ tổng mức đầu tư do nhà đầu tư đăng ký. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung đăng ký và hiệu quả đầu tư dự án.
"Giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo nhà đầu tư tổ chức lập, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật, trong đó phải xác định chính xác tổng mức đầu tư theo quy định", Bộ KH-ĐT kiến nghị.