
Theo Newsweek, thông qua đánh giá của các nhà phân tích và những cuộc thăm dò ý kiến dư luận gần đây, mức thuế quan đối ứng của Mỹ với nhiều quốc gia do ông Trump công bố hôm 2/4, có nguy cơ làm leo thang thương chiến, gây suy thoái kinh tế cũng như làm xói mòn thêm niềm tin của người dân Mỹ vào cách lãnh đạo Nhà Trắng điều hành nền kinh tế.

Mỹ trước đó đã áp thuế nhập khẩu 20% với Trung Quốc và nay sẽ áp thêm mức thuế đối ứng 34%, nâng tổng mức thuế nhập khẩu lên thành 54% đối với mọi mặt hàng từ nước này. Liên minh châu Âu (EU) cũng phải đối mặt với thuế nhập khẩu là 20%, Hàn Quốc là 25% và Ấn Độ là 26%.
Ông Trump cũng cho biết, Mỹ đang áp dụng "mức thuế cơ sở tối thiểu là 10%" đối với hàng nhập khẩu. Ông còn nhấn mạnh, chính sách này sẽ chấm dứt nhiều thập kỷ thương mại không công bằng và mở ra kỷ nguyên mới về "độc lập kinh tế" cho Mỹ. Cũng theo lãnh đạo Nhà Trắng, mức thuế quan mới sẽ tăng "hàng nghìn tỷ USD để giảm thuế, trả nợ quốc gia và tất cả sẽ diễn ra rất nhanh chóng".
"Phần lớn thuế nhập khẩu do người tiêu dùng Mỹ gánh chịu dưới hình thức giá cả tăng cao", Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics cho biết. Theo chuyên gia này, nền kinh tế Mỹ sẽ chịu thiệt hại nếu ông Trump thực hiện những mức thuế nhập khẩu mới, trong khi các quốc gia khác trả đũa bằng cách áp thuế cao hơn đối với hàng hóa Mỹ.
"Sự kết hợp giữa thuế quan và hành động trả đũa sẽ gây sức ép nặng nề lên nền kinh tế và trong nhiều kịch bản có thể đẩy chúng ta vào suy thoái", ông Zandi cảnh báo.
Phản tác dụng
Theo các nhà kinh tế, chuyên gia thương mại và các nhà phân tích, mong muốn của ông Trump về việc thay đổi nền kinh tế Mỹ sau khi triển khai hàng rào thuế quan mới khó có thể thành hiện thực. Các cuộc thăm dò ý kiến công khai cũng cho thấy, hầu hết người Mỹ không tán thành các mức thuế nhập khẩu mới của ông Trump và lo ngại chúng có thể dẫn đến giá cả tăng cao trên diện rộng.
Cuộc thăm dò của Trường Luật Marquette, được công bố hôm 2/4 ngay trước khi ông Trump công bố áp thuế đối ứng, ghi nhận 58% người trưởng thành ở Mỹ tiết lộ họ tin thuế quan gây tổn hại đến nền kinh tế nước này. Khảo sát cho thấy, cứ 10 người trưởng thành ở Mỹ thì 6 người cho rằng các chính sách của ông Trump sẽ làm gia tăng lạm phát.

Các cuộc khảo sát dư luận khác cũng ghi nhận ý kiến tương tự. Theo một cuộc khảo sát gần đây của CNN/SSRS, 61% người Mỹ không ủng hộ chính sách thuế quan của tổng thống đương nhiệm.
"Trong suốt chiến dịch tranh cử vào mùa thu, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh ông có thể hạ giá và giảm lạm phát đến mức nào. Các cử tri xem đó là ưu tiên quan trọng nhất và dành nhiều sự ủng hộ cho ông Trump vì điều này", Charles Franklin, người phụ trách cuộc thăm dò ý kiến của Trường Luật Marquette chia sẻ.
Ông Franklin lưu ý thêm, các cuộc thăm dò gần đây còn cho thấy, "mọi người ngày càng hoài nghi về khả năng thực hiện những cam kết trước đây của ông Trump".
Theo Newsweek, lãnh đạo Nhà Trắng đương nhiệm có thể sử dụng thuế nhập khẩu đối ứng mới công bố làm điểm khởi đầu để đàm phán với các đối tác thương mại như cách ông từng làm trong quá khứ. Trong những tuần gần đây, ông Trump đã đạt thỏa thuận với Mexico và Canada để hoãn triển khai một số mức thuế đề xuất và đưa ra các miễn trừ tạm thời cho một số ngành công nghiệp.
Một số nhà phân tích nhận định, tác động kinh tế xuất phát từ thuế quan của ông Trump cũng có thể được giảm nhẹ, nếu như các quốc gia khác không chọn cách đáp trả mạnh mẽ.
“Trong EU, một số nước thành viên vẫn còn do dự về việc thực hiện bất kỳ phản ứng nào cùng nguy cơ bị kéo vào cuộc thương chiến đang leo thang", nhà phân tích Nico FitzRoy tại Signum Global Advisors cho hay.
Hôm 2/4, ông Trump cũng để ngỏ khả năng Mỹ hủy bỏ việc áp thuế nhập khẩu mới đối với các quốc gia khác, nếu họ chấm dứt đánh thuế Mỹ và "bắt đầu mua hàng chục tỷ USD hàng hóa" của nước này. Tuy nhiên, tổng thống thứ 47 của Mỹ vẫn chưa đưa ra dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ từ bỏ chính sách bảo hộ thương mại rộng lớn hơn, bất chấp những cảnh báo rằng động thái đang làm giảm sự ủng hộ của công chúng dành cho ông và có thể gây tổn hại cho cả đảng Cộng hòa.
"Vì lý do nào đó, ông Trump vẫn tin vào sức mạnh của thuế quan, bất chấp bằng chứng áp đảo cho thấy điều ngược lại. Đó hoàn toàn là một pha phản lưới nhà", chuyên gia thương mại Colin Grabow tại Viện Cato kết luận.


Nga phản ứng trước lời đe dọa trừng phạt của ông Trump
