Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong vài năm gần đây chứng kiến sự rút ròng khá mạnh của dòng vốn ngoại, trong bối cảnh lãi suất tại Mỹ cao, đồng VND suy giảm so với USD, tình trạng cạn room tại các doanh nghiệp hàng đầu cũng như sự thiếu vắng những cổ phiếu lớn niêm yết mới.
Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng, dòng vốn ngoại sẽ đổ mạnh vào các năm tới khi TTCK Việt Nam được nâng hạng, có thêm nhiều hàng hóa tốt cũng như tỷ giá USD/VND ổn định hơn. Mỹ đang bước vào chu kỳ hạ lãi suất.
Theo Dragon Capital, một làn sóng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) có thể xuất hiện vào năm 2027-2028, quy mô hàng chục tỷ USD.
Trước mắt, giới đầu tư có thể nhìn thấy những gương mặt lớn như: Vinpearl của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương, Bách Hóa Xanh của đại gia Nguyễn Đức Tài, Long Châu của FPT ông Trương Gia Bình, Golden Gate…
Những thương vụ IPO bom tấn
Thông tin từ Hội đồng quản trị CTCP Vinpearl mới đây cho thấy, Vinpearl - công ty con của Tập đoàn Vingroup (VIC) dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong quý I/2025 nhằm huy động hơn 5.000 tỷ đồng.
Theo đó, Vinpearl sẽ chào bán hơn 70 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 1.000:40,673 cho cổ đông hiện hữu với giá 71.350 đồng/cp từ ngày 17/1-5/2, thu về khoảng 5.000 tỷ đồng và vốn điều lệ dự kiến tăng lên hơn 17.700 tỷ đồng.
Tiền thu về sẽ được Vinpearl góp vốn vào Công ty Vinwonders Nha Trang, nhận chuyển nhượng cổ phần một số dự án từ Tập đoàn Vingroup do tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch, đồng thời trả lãi và gốc các khoản vay, bổ sung vốn lưu động.
Hồi tháng 11/2024, Uỷ ban Chứng khoán xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng của Vinpearl. Vinpearl hiện là công ty con của Vingroup, với tỷ lệ sở hữu 85,55%. Đây là một doanh nghiệp có quy mô lớn khi vốn chủ sở hữu của Vinpearl tới giữa năm 2024 đạt hơn 31.500 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt khoảng 67.700 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD).
Vinpearl là thương hiệu lớn về dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam với hàng chục cơ sở Vinpearl, VinWonders, Vinpearl Golf… tại các địa điểm như: Phú Quốc, Nha Trang, Hội An, Quảng Ninh…
Vinpearl được kỳ vọng sẽ là một mã cổ phiếu chất lượng cho TTCK trong thời gian tới. Trước đây (năm 2008), Vinpearl từng niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) với mã VPL và thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Đến cuối 2011, Vinpearl sáp nhập với Vincom thành Vingroup.
Thêm loạt cổ phiếu chất lượng cho TTCK
Theo Dragon Capital, TTCK có thể sẽ chứng kiến một làn sóng IPO tiếp theo vào năm 2027-2028, quy mô lên tới cả chục tỷ USD, với những tuổi lớn như Thaco Auto, Bách Hoá Xanh, Golden Gate, Highlands Coffee, TCBS, Misa, VNPay, Viettel IDC, Nhà thuốc Long Châu, Datviet Vac, Galaxy media…
Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp lớn chuyển sàn từ UPCoM lên HoSE như ACV, BSR, MCH…
Việc xuất hiện thêm những doanh nghiệp lớn sẽ giúp TTCK trở nên hấp dẫn, hút dòng vốn không chỉ trong nước và quốc tế, đặc biệt khi chứng khoán Việt được nâng hạng, dự kiến có thể vào tháng 9/2025 hoặc năm 2026.
Tới nay, Việt Nam đã đạt được 7/9 tiêu chí quan trọng của FTSE Russell và một tiêu chí quan trọng gần đạt được là việc gỡ bỏ yêu cầu bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ trước khi giao dịch (prefunding).
Các chuyên gia VPBankS từng ước tính sẽ có hàng tỷ USD sẽ đổ vào chứng khoán Việt Nam ngay khi nâng hạng.
Khi đó, dòng tiền được dự báo sẽ hướng tới những cổ phiếu hàng đầu trên thị trường như Vinhomes, Vingroup, Hòa Phát (HPG), Masan (MSN), Vietcombank (VCB), Vinamilk (VNM)… cùng với những gương mặt mới như đề cập ở trên.
Dragon Capital cũng dự báo, kinh tế Việt Nam có thể sẽ bứt phá trong năm 2025 với mức tăng cao lên tới 9%. Tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết cũng được dự báo tích cực, có thể lên tới 25%.
Tất cả những yếu tố này sẽ giúp TTCK tăng trưởng cao trong năm 2025 và các năm tới. Việt Nam được kỳ vọng sẽ bước vào chu kỳ mới tăng trưởng trong 5 năm tới. Dòng vốn ngoại sẽ đổ vào các doanh nghiệp lớn. Khi các hàng hóa tốt lên sàn, sẽ giúp nhà đầu tư bội thu.
Trước đó, theo Dragon Capital, TTCK Việt Nam chứng kiến làn sóng IPO năm 2006-2007, với cả trăm mã cổ phiếu mới lên sàn khi đó với nhiều mã đình đám như Vingroup, FPT, Nhựa Bình Minh (BMP), PV Drilling (PVD), Chứng khoán Bảo Việt (BVS), Dược Hậu Giang (DHG), Sacombank (STB), Chứng khoán SSI (SSI)… Làn sóng này khi đó đã giúp VN-Index lần đầu lên đỉnh 1.200 điểm.