CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 với doanh thu đạt 34.925 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.969 tỷ đồng, tăng 48% so với quý trước. Đây là quý Hòa Phát đạt kết quả kinh doanh tốt nhất cả năm.
Lũy kế cả năm 2023, Hòa Phát đạt 120.355 tỷ đồng doanh thu, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 6.800 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 85% kế hoạch năm.
Năm 2023, Hòa Phát đã sản xuất 6,7 triệu tấn thép thô, giảm 10% so với năm 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 6,72 triệu tấn, giảm 7%. Trong đó, thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 3,78 triệu tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Thép cuộn cán nóng HRC ghi nhận gần 2,8 triệu tấn, tăng 6% với với năm 2022.
Từ đầu tháng 8/2023, các sản phẩm vỏ container mang thương hiệu Hòa Phát cũng được đưa ra thị trường. Ngoài ra các mảng khác như chăn nuôi, đồ gia dụng nội thất,… cũng mang lại kết quả kinh doanh tốt.
Chia sẻ tại ĐHCĐ 2023 cuối tháng 3/2023, ông Trần Đình Long cho biết, năm 2023, HPG không chia cổ tức cả bằng tiền mặt hay bằng cổ phiếu để có đầu tư. Tổng đầu tư giai đoạn 2 cho Dung Quất riêng tài sản cố định là 75.000 tỷ (trên 3 tỷ USD). Theo ông Long, đến cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, khi nhà máy Dung Quất 2 đi vào hoạt động, Hòa Phát sẽ tăng doanh thu thêm 80.000 - 100.000 tỷ đồng nữa, từ mặt bằng 150.000 tỷ như năm qua.
Tính tới thời điểm hiện tại, Dự án Dung Quất 2 đã đạt 45% tiến độ, đúng theo kế hoạch đã đề ra. Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Tập đoàn sẽ đạt hơn 14 triệu tấn thép thô/năm, đưa Hòa Phát vào Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới từ năm 2025.
Ông Long khẳng định, giai đoạn khó khăn nhất ngành thép đã qua đi. Nội lực ngành thép và Hòa Phát hiện rất tốt. Dù vậy, tất cả giờ chỉ phụ thuộc vào nhu cầu thị trường.
Mới đây, tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2023. Việt Nam có 6 đại diện. Chủ tịch Trần Đình Long vươn lên vị trí số 3 trong các doanh nhân Việt, với 1,8 tỷ USD, sau một thời gian tụt giảm (và từng rớt khỏi danh sách).
Năm ngoái, ông Long đã thực hiện giao dịch cổ phiếu bán số lượng lớn cho con trai. Ông Trần Vũ Minh đã mua 16,32 triệu cổ phiếu từ ông Trần Đình Long vào ngày 1/11/2023.
Tin doanh nghiệp niêm yết
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* HAG: Bà Đoàn Hoàng Anh, con của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai đã mua vào 1 triệu cổ phiếu trong ngày 19/1 theo phương thức khớp lệnh. Bà Hoàng Anh đang sở hữu 11 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1,19%.
* POM: Bà Đỗ Thị Kim Cúc, em ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Pomina đăng ký bán toàn bộ hơn 3,14 triệu cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 25/1-22/2 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* NLG: Ông Văn Viết Sơn, Giám đốc điều hành CTCP Đầu tư Nam Long đăng ký bán 120.000 cổ phiếu từ ngày 26/1-24/2 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
* TNC: Bà Dương Thị Kiều Anh, cá nhân có liên quan đến ông Lê Trung Đức, Thành viên HĐQT CTCP Cao su Thống Nhất đã bán toàn bộ gần 390.000 cổ phiếu, tỷ lệ 2,03%. Giao dịch đã thực hiện trong ngày 17/1 theo phương thức thỏa thuận.
* EIB: Eximbank cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 2.720 tỷ đồng, giảm 26,7% so với năm 2022. Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 201.399 tỷ đồng.
* FPT: Năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 6.470 tỷ đồng, tăng trưởng 21,8%.
* DGC: CTCP Hóa chất Đức Giang công bố BCTC quý IV/2023 với doanh thu thuần trong quý đạt 2.388 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 784 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2023, DGC ghi nhận 9.748 tỷ đồng doanh thu thuần, 3.109 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ.
* TCB: Techcombank báo lãi trước thuế 5.773 tỷ trong quý IV/2023, tăng 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận cả năm đạt 22.888 tỷ đồng.
* DHB: CTCP Phân đạm và hóa chất Hà Bắc công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 lãi đột biến đạt 1.649 tỷ đồng.
* SGB: SaigonBank công bố lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 đạt 84 tỷ, tăng 9.249% so với cùng kỳ. Lũy kế năm 2023, SGB lãi trước thuế 332 tỷ đồng, tăng 40%.
VN-Index
Chốt phiên 22/1, VN-Index tăng 1,36 điểm (+0,12%), lên 1.182,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 890 triệu đơn vị, giá trị 18.739,2 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 0,29 điểm (+0,13%) lên 229,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 63,78 triệu đơn vị, giá trị 1.179,86 tỷ đồng.
UPCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,25%), lên 87,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,43 triệu đơn vị, giá trị 496 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và chỉ số VN30 có thể tăng về mức 1.210 điểm trong phiên kế tiếp. Đồng thời, dòng tiền có xu hướng quay trở lại nhóm cổ phiếu Midcaps cho nên độ rộng thị trường đang có diễn biến tích cực hơn và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp.
Mặc dù, chỉ số VN-Index và VN30 đang tiến vào vùng kháng cự ngắn hạn, nhưng các nhà đầu tư có thể mua và nắm giữ danh mục ngắn hạn, đặc biệt cơ hội mua mới vẫn còn nhiều trong giai đoạn này.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) thì cho rằng, VN-Index hình thành mẫu nến rút chân, cùng với thanh khoản gia tăng và một vài nhóm ngành dẫn dắt đã giúp cho chỉ số tránh được một phiên giảm điểm tiêu cực. Nhiều khả năng chỉ số có thể tiếp tục duy trì quán tính tăng điểm lên vùng đích kỳ vọng được đặt quanh 1.185 (+/-10) điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị mua/bán linh hoạt hai chiều tỷ trọng thấp tại các vùng hỗ trợ/kháng cự, cụ thể là quanh 1.145 (+/-5) điểm và quanh 1.185 (+/-5) điểm.