Hồi tháng 4, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tiết lộ Washington đã bí mật cung cấp "số lượng đáng kể" Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) MGM-140 cho Ukraine. Hành động này giúp các lực lượng Kiev sở hữu vũ khí tầm xa đủ khả năng tấn công bán đảo Crưm, khu vực thuộc Ukraine nhưng đã sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga hồi năm 2014.
Theo ông Sullivan, Mỹ từng cung cấp các phiên bản ATACMS tầm ngắn hơn cho Ukraine, nhưng hiện tại Kiev đã sở hữu những tên lửa có tầm bắn lên tới 300km.
Tờ Newsweek nhận định các tên lửa ATACMS đang tạo ra tác động trong xung đột Nga – Ukraine. Theo đó, các hệ thống phòng không, căn cứ không quân, địa điểm huấn luyện của Nga đã là những mục tiêu đầu tiên bị Ukraine phóng ATACMS tấn công. Ngoài ra, cầu Crưm nối đất liền Nga với bán đảo Crưm cũng được cho đang bị đưa vào tầm tấn công của ATACMS.
Trên thực tế, quân đội Nga bắt đầu có phản ứng đối phó, khi tuyên bố đã bắn hạ một số ATACMS nhằm vào Crưm. Giống như các hệ thống vũ khí trước đây của phương Tây, tác dụng của ATACMS được cho sẽ bị giảm dần, khi quân đội Nga thích nghi với việc đánh chặn chúng.
Ông Ivan Stupak, cố vấn ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo quốc gia của Quốc hội Ukraine, cho hay: “Nga có thể thích ứng trong khoảng thời gian rất ngắn. Tôi nghĩ chúng tôi có tối đa 2 tháng để loại bỏ càng nhiều mục tiêu của Nga càng tốt, trước khi Nga thích nghi đối phó với vũ khí mới".
"Hãy xem các loại đạn pháo thông minh Excalibur. Mức độ chính xác của chúng đã giảm đáng kể từ 70% xuống còn 6% khi đối mặt với các hệ thống tác chiến điện tử của Nga", ông Stupak nói.
Thông tin các nước chuyển giao nhiều hệ thống vũ khí như hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS, xe tăng Leopard 2, xe chiến đấu bộ binh Bradley, tên lửa ATACMS hay tiêm kích F-16 tới Ukraine đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của giới truyền thông. Song thực tế, không một hệ thống nào được cho có thể làm đảo ngược sự cân bằng chiến lược ở Ukraine, giữa lúc quân đội Nga vẫn đang chiếm ưu thế.