Theo RT, trong ngày 12/4, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết, chiến dịch phản công quy mô lớn của nước này có thể bắt đầu vào mùa hè thay vì mùa xuân. Ông Shmyhal khẳng định, Kiev "không cảm thấy áp lực từ phía các đồng minh" trong việc phải sớm giành được lợi thế trên tiền tuyến.
"Tất cả đồng minh và đối tác của chúng tôi đều hiểu cần phải sẵn sàng 100%, thậm chí nhiều hơn thế để có một chiến dịch phản công hiệu quả. Áp lực mạnh mẽ nhất về việc bắt đầu cuộc phản công đến từ bên trong Ukraine", ông Shmyhal nói.
Cũng theo Thủ tướng Shmyhal, vụ rò rỉ các tài liệu tuyệt mật của Lầu Năm Góc không làm thay đổi mục tiêu của kế hoạch phản công. "Ukraine sẽ giành lại các vùng lãnh thổ của mình", ông Shmyhal nói thêm.
Trong khi đó, ông Oleksiy Danilov - thư ký của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine cho biết, Kiev sẽ ra quyết định phản công "sớm nhất có thể".
Nga nghi ngờ tài liệu bị rò rỉ của Mỹ
Theo TASS, trong ngày 12/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, vụ rò rỉ tài liệu mật của Lầu Năm Góc có thể là một hành động có chủ đích từ phía Mỹ.
"Vì Mỹ là một bên can dự vào xung đột Ukraine nên không thể loại trừ kịch bản các tài liệu bị rò rỉ có chủ đích. Các tài liệu này khá thú vị, chúng có thể là thật, cũng có thể là một mánh khóe", ông Ryabkov nhận xét.
Serbia phủ nhận việc gửi vũ khí tới Ukraine
Theo RT, trong ngày 12/4, Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Milos Vucevic đã phủ nhận việc nước này gửi vũ khí tới Ukraine. Ông Vucevic nhấn mạnh, các tài liệu bị rò rỉ từ Lầu Năm Góc liên quan tới việc Belgrade viện trợ vũ khí cho Kiev là không chính xác.
"Chúng tôi đã phải bác bỏ thông tin này rất nhiều lần và vẫn phải lặp lại một lần nữa. Serbia chưa từng và sẽ không gửi vũ khí cho Ukraine hoặc Nga", ông Vucevic nói.
Cũng theo ông Vucevic, một số vũ khí có nguồn gốc từ Serbia có thể xuất hiện tại khu vực xung đột bằng nhiều cách không chính thống, nhưng chúng không liên quan tới chính phủ nước này.