Theo đài RT, giám đốc GUR Kirill Budanov đã có cảnh báo trên trong một cuộc gây quỹ quốc gia hôm 2/8. “Chúng tôi đang tích cực vạch ra các kế hoạch, kể cả tấn công tầm xa, để biến điều đó thành hiện thực. Tất cả đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện”, ông Budanov giải thích.
Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào cuối tháng 2/2022, các lực lượng Kiev đã thực hiện một số nỗ lực nhằm phá hủy cầu Kerch, bao gồm cả việc sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp, xuồng không người lái của hải quân mang theo chất nổ cũng như vật liệu nổ được tuồn lậu bằng xe hơi.
Tuy nhiên, truyền thông Nga đưa tin, bất chấp điều đó, cây cầu chỉ bị hư hại 2 lần với một vài người thiệt mạng trong các sự cố.
Nga bắn hạ 2 chiến đấu cơ, 7 tên lửa của Kiev
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong tuần qua, các hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ 2 máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-25, 7 tên lửa ATACMS và 47 tên lửa HIMARS do Mỹ chế tạo cũng như 375 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine.
Sputnik dẫn lời nhà chức trách Nga nói thêm, trong khoảng thời gian trên, lực lượng hàng không chiến thuật, các đơn vị UAV và pháo binh của Moscow cũng phá hủy 3 bệ phóng tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất cùng 4 trạm radar, trong đó có 3 trạm phục vụ các hệ thống trinh sát trên không Mars-L, ATCR-33S và Skala-M của đối phương.
Moscow thống kê, tổng thiệt hại về khí tài của Ukraine kể từ đầu cuộc xung đột lên tới 632 chiến đấu cơ, 278 trực thăng, 28.839 UAV, 559 hệ thống tên lửa không đối không, 16.740 xe tăng và các xe chiến đấu bọc thép khác, 1.395 bệ phóng tên lửa đa nòng, 12.714 quả pháo và đạn cối cùng 24.283 xe quân sự đặc biệt.
Kiev thường không lên tiếng bình luận trước các dữ liệu do phía Nga công bố. Trong khi đó, các hãng thông tấn quốc tế thừa nhận không thể xác minh độc lập các thông tin trên.