Dù quá trình đàm phán dự kiến sẽ kéo dài nhiều năm, nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi quyết định ngày 14/12 của EU là “chiến thắng” cho đất nước của ông và cho toàn châu Âu. Theo giới quan sát, diễn biến đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình xin gia nhập EU của quốc gia Đông Âu này.
Quyết định gây kinh ngạc
Ukraine mong muốn có được tư cách thành viên EU suốt nhiều năm qua, nhưng nỗ lực đã vấp phải sự phản đối của Hungary. Nhiều tuần gần đây, Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định sẽ ngăn chặn thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh tại Brussels.
Bước ngoặt đáng kinh ngạc xảy ra khi ông Orban ngày 14/12 bất ngờ đồng ý rời khỏi phòng họp để các nhà lãnh đạo của 26 nước thành viên EU khác bỏ phiếu thông qua việc bắt đầu quá trình thương lượng kết nạp Ukraine. Động thái diễn ra một ngày sau khi Ủy ban Châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, giải ngân 10,2 tỷ Euro tài trợ cho Hungary. EC từng đóng băng khoản tiền này trong khi chờ đất nước của ông Orban đáp ứng các điều kiện về tính độc lập của cơ quan tư pháp.
“Điều ngạc nhiên là EU đã thuyết phục được Hungary rút lui, vì đó là trở ngại lớn nhất. Không ai thực sự nghĩ việc đó sẽ thành công”, Florian Gassner, giáo sư giảng dạy tại Khoa Nghiên cứu Trung, Đông và Bắc Âu thuộc Đại học British Columbia (Canada) bày tỏ.
Lí do việc kết nạp Ukraine gây tranh cãi
Hungary lập luận rằng, Ukraine có nạn tham nhũng nghiêm trọng và không đáp ứng các tiêu chuẩn xã hội như mong đợi đối với một quốc gia EU. Quan điểm từng nhận được sự tán thành rộng rãi trong liên minh.
Hungary cũng là đồng minh EU thân cận nhất với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Moscow tức giận trước những nỗ lực của Kiev nhằm thoát khỏi ảnh hưởng của Nga và hướng tới EU, đặc biệt sau khi chính phủ thân Nga ở Ukraine bị lật đổ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm bùng nổ cuộc xung đột Nga – Ukraine cuối tháng 2/2022.
Theo tạp chí Politico, việc kết nạp Ukraine cũng sẽ gây ra các vấn đề kinh tế với EU. Một nghiên cứu nội bộ của EU hồi tháng 7 cho thấy, nếu Ukraine gia nhập liên minh ngay lập tức, nước này sẽ đủ điều kiện nhận 186,3 tỷ Euro tiền tài trợ từ ngân sách 7 năm của EU, theo cơ chế nhằm mục đích bình đẳng hóa mức sống giữa các quốc gia thành viên. Điều này có nghĩa, một số quốc gia đang nhận tiền tài trợ của EU sẽ trở thành nước phải đóng góp, và những nước đóng góp hiện tại sẽ phải chi nhiều hơn nữa.
Ngoài ra, nhiều người lo ngại, việc mở cửa thị trường lao động của EU cho Ukraine có thể đe dọa cơ hội việc làm của lao động tại các nước thành viên hiện tại. Ba Lan từng tạo ra vấn đề tương tự khi gia nhập EU và làn sóng lao động Ba Lan giá rẻ tràn vào Anh gây khủng hoảng thị trường việc làm ở xứ sở sương mù, góp phần dẫn đến việc Anh quyết định rời khỏi liên minh (Brexit).
Điều gì đã thay đổi quan điểm của EU?
Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU vào tháng 2/2022 sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước này, và đã được liên minh cấp tư cách ứng viên hồi tháng 6 cùng năm.
Giáo sư Gassner, người từng sống ở Donetsk, Ukraine trong giai đoạn 2012 - 2013, cho biết xung đột đã thúc đẩy sự ủng hộ Ukraine vào EU, đặc biệt ở các quốc gia thành viên trước đây chưa từng cân nhắc việc này.
Theo ông Gassner, đây là minh chứng cho điều các quốc gia vùng Baltic và các quốc gia Trung Âu khác đang cố gắng nói với các thành viên sáng lập EU, "Ukraine không phải là một tác nhân tự do cấp tiến hay một phần tử thù địch tiềm tàng của liên minh, nhưng họ xuyên qua châu Âu" và Nga thực sự “đáng gờm”. “Các quốc gia Tây Âu cuối cùng đã hiểu được thông điệp đó”, ông Gassner nói.
Ông Gassner cho biết, Ukraine cũng đang nhanh chóng chứng tỏ với EU bằng các biện pháp chống tham nhũng và việc phê chuẩn luật bảo vệ các dân tộc thiểu số.
Mục tiêu gia nhập EU của Ukraine
Ukraine có thể được hưởng những lợi ích đáng kể nếu chính thức trở thành thành viên của EU.
Ông Gassner nhận định, quốc gia này có một "xã hội trẻ, có trình độ học vấn cao, có động lực và có tinh thần kinh doanh", đang khao khát sự thịnh vượng khi tiếp cận thị trường EU. Nền kinh tế Ba Lan cũng tăng trưởng nhảy vọt sau khi gia nhập khối vào năm 2004 và Ukraine cũng có thể phát triển theo quỹ đạo tương tự.
Lợi ích khác đối với Ukraine là an ninh, vì cộng đồng quốc tế nhiều khả năng hỗ trợ đầy đủ hơn về mặt quân sự cho một quốc gia thành viên EU.
Thực tế, cuộc bỏ phiếu phê chuẩn việc bắt đầu đàm phán kết nạp Ukraine diễn ra giữa lúc Mỹ đang giảm dần sự hỗ trợ dành cho Kiev, trong khi các nước châu Âu, đặc biệt là Đức và Đan Mạch, lại tăng cường hỗ trợ tài chính cho các hoạt động quân sự của Ukraine chống quân Nga.
Diễn biến tiếp theo
Ukraine còn một chặng đường dài phải vượt qua trước khi có thể chính thức trở thành thành viên của EU. Theo các chuyên gia, quá trình đàm phán kết nạp thường kéo dài từ 5 - 10 năm. Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia các cuộc thương lượng gia nhập EU kể từ năm 2005, nhưng cho đến nay vẫn chưa được duyệt vào khối.
EU hiện sẽ phải đồng thuận thông qua khuôn khổ cho các cuộc đàm phán tại một cuộc họp khác, trước khi chính thức bắt đầu quá trình.
Các nhà lãnh đạo liên minh tiết lộ, họ sẽ chỉ thực hiện các bước tiếp theo khi Ukraine đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra về dân chủ và pháp quyền. Tuy nhiên, họ không nêu thời gian biểu cụ thể.