Theo hãng tin Reuters, hội nghị do Ba Lan và Thụy Điển đồng tổ chức và có sự tham gia của các thủ tướng, đại sứ đại diện cho nhiều quốc gia châu Âu cũng như những nước khác và một số doanh nghiệp. Hội nghị được tổ chức nhằm giúp Ukraine đương đầu với các hậu quả kinh tế và nhân đạo do cuộc tấn công của Nga gây ra.
Tại cuộc họp báo vào cuối sự kiện, ông Morawiecki đã đưa ra ước tính cao hơn và cho biết, có hơn 7 tỷ Euro đã được quyên góp. Một số quốc gia như Pháp, Phần Lan, Cộng hòa Czech, Croatia và nhiều nước khác đã cam kết chi hàng triệu Euro để hỗ trợ các nỗ lực nhân đạo và quân sự ở Ukraine.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết, kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào cuối tháng 2, Kiev đã nhận được 12 tỷ USD vũ khí và viện trợ kinh tế.
Nga trục xuất nhiều nhà ngoại giao Đan Mạch
Hãng tin CNN và AP dẫn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Moscow đã tuyên bố 7 nhân viên đại sứ quán Đan Mạch ở nước này là những người không được chào đón và phải rời khỏi Nga trong vòng hai tuần. Ngoài ra, một nhà ngoại giao Đan Mạch cũng bị Nga từ chối cấp thị thực.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, biện pháp có đi có lại này diễn ra sau khi Copenhagen tuyên bố 15 nhân viên của đại sứ quán Nga tại Đan Mạch và đại diện thương mại của Nga ở nước này là nhân vật không được hoan nghênh, và trợ giúp quân sự cho Ukraine.
Phía Nga lưu ý rằng chính sách chống Nga công khai của Đan Mạch gây tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ song phương. Bộ Ngoại giao Nga cũng tuyên bố, Moscow có quyền thực hiện các biện pháp trả đũa bổ sung đối với các hành động của Copenhagen.
Nhật tiết lộ kế hoạch thay thế năng lượng nhập khẩu từ Nga
Thủ tướng Nhật Kishida Fumio hôm nay (5/5) cho biết, nước này sẽ dùng năng lượng hạt nhân để giúp chính mình và cả thế giới giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Theo hãng tin RT, Thủ tướng Kishida tuyên bố, hạt nhân sẽ là một phần trong chính sách năng lượng tương lai của Nhật. “Chúng tôi sẽ sử dụng các lò phản ứng hạt nhân đã được đảm bảo an toàn để góp phần giúp toàn thế giới giảm phụ thuộc năng lượng Nga. Khởi động lại một lò phản ứng hạt nhân hiện có sẽ có tác dụng tương đương việc cung cấp 1 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới mỗi năm cho thị trường toàn cầu".
Trong hơn một thập niên, Nhật - quốc gia nghèo năng lượng, đã phải dựa vào Nga để cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Đông và bù đắp năng lượng hạt nhân đã mất. Nhật đã phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga kể từ khi đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011. Theo số liệu của Cơ quan Ngoại thương Nhật Bản, Nga cung cấp 3,6% dầu thô và 8,8% LNG vào năm 2021 cho nước này.
Hoài Linh