Ukraine tuyên bố đã lần đầu tiên bắn hạ một máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3 ở vùng Stavropol Krai của Nga vào đêm 19/4.
Theo tờ Kyiv Independent, Bộ Quốc phòng Nga cho hay Tu-22M3 bị rơi là do "trục trặc kỹ thuật" trong lúc quay trở lại căn cứ.
Song ông Kyrylo Budanov, Giám đốc Cơ quan tình báo quân sự Ukraine (GUR), khẳng định Tu-22M3 của Nga bị bắn ở khoảng cách 308km sau một tuần "phục kích". Lực lượng Không quân và tình báo quân sự Ukraine đứng đằng sau chiến dịch này.
Cũng theo ông, Tu-22M3 bị bắn hạ theo phương thức và công cụ như khi Ukraine phá hủy máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga. Theo đó, máy bay Nga bị bắn hạ bằng hệ thống phòng không S-200 do Liên Xô cũ sản xuất. Hệ thống này đã bị Kiev loại bỏ một thập kỷ, và được hồi sinh sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Việc Kiev tuyên bố bắn rơi A-50 và Tu-22M3 bằng S-200 cho thấy, Ukraine đã phải tái tạo cách thức chiến đấu giữa lúc nước này rơi vào cảnh thiếu đạn pháo và vũ khí cung cấp từ phương Tây.
Vũ khí lỗi thời
S-200 còn gọi là SA-5 Gammon là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa được Liên Xô cũ phát triển, và lần đầu tiên được sử dụng vào cuối những năm 1960. Kể từ đó, hệ thống này đã được hiện đại hóa nhiều lần.
Ban đầu, S-200 được thiết kế để tấn công máy bay ném bom, và các máy bay chiến lược trong Chiến tranh Lạnh. Đạn tên lửa S-200 có tầm bắn xa nhất lên tới 300km, và tầm cao 40km. Mỗi quả tên lửa 5V28V nặng 7,1 tấn và dài 11m. Nhược điểm của S-200 là cần có thời gian triển khai, và đường ray để di chuyển.
Liên Xô cũ từng xuất khẩu S-200 sang các nước như Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Syria và Libya.
Ông Andrii Kharuk, nhà sử học quân sự và chuyên gia vũ khí, nhận định khả năng Ukraine không sử dụng tên lửa S-200 lấy từ kho dự trữ của nước này, mà do các nước láng giềng như Ba Lan hoặc Bulgaria cung cấp.
Trên thực tế, Ukraine vận hành S-200 đến năm 2013. Không rõ những hệ thống này có được cất giữ trong kho, hay ở trong tình trạng nào.
Tuy nhiên, vào năm 2018, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine lúc đó là Ivan Rusnak tuyên bố một số doanh nghiệp sẵn sàng đưa hệ thống S-200 trở về trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ông cho biết, Ukraine sẽ cần một năm để khôi phục. Hiện không rõ có bao nhiêu tên lửa S-200 đã được hồi sinh.
Nâng cấp S-200
Thông tin Ukraine tái sử dụng tên lửa S-200 bắt đầu lan truyền vào mùa hè năm 2023. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết các tên lửa S-200 "cải tiến" của Ukraine đã bị bắn hạ tại vùng Rostov, Kursk, Kaluga, và bán đảo Crưm.
"Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi phải tìm lối thoát. Chúng tôi đã nghĩ tới S-200, và có vẻ như chúng vẫn hoạt động tốt cho đến nay", một nguồn tin giấu tên trong chính phủ Ukraine nói vào tháng 8/2023.
Theo tờ Defense Express, S-200 có thể được tái sử dụng để tấn công mặt đất, nhưng cần có một số thay đổi để tên lửa hoạt động hiệu quả và chính xác hơn. Chúng bao gồm việc tái thiết kế hệ thống dẫn đường, đầu đạn, và phát triển bệ phóng di động trên mặt đất.
Chuyên gia Kharuk cho rằng, Ukraine sẽ không thể chế tạo đạn tên lửa mới, nhưng có thể sửa chữa những tên lửa S-200 cũ để sẵn sàng chiến đấu.
"Nếu như phi hành đoàn điều khiển máy bay ném bom chiến lược của Nga vẫn cảm thấy họ hoàn toàn an toàn, bây giờ họ cần biết họ có thể bị tiếp cận”, ông Kharuk nói.
“S-200 là hệ thống phòng không tầm xa có khả năng phòng thủ ở các khu công nghiệp quy mô lớn, đe dọa những máy bay tiếp cận biên giới Ukraine, và là vũ khí mang tính răn đe”, tờ Militarnyi nhận định.